Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, trong 2 tháng qua, dịch Covid-19 một lần nữa tác động lớn đến các hoạt động dịch vụ, thương mại, nhưng không vì thế mà tinh thần và sự chủ động chuẩn bị các phương án phục hồi của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

"Hôm nay, tại TP.HCM, hơn 1.000 doanh nghiệp mang theo những sản phẩm, dự án, đề án và những hợp đồng dự kiến là một minh chứng cho sự bền bỉ và sức chiến đấu của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào", ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định.

Lũy kế từ năm 2012 đến nay, các hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành đã hỗ trợ 3.193 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết, với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 4.500 tỷ đồng/năm.

Khách hàng xem các sản phẩm được sản xuất tại TP.HCM (Ảnh: Cao Thăng)Khách hàng xem các sản phẩm được sản xuất tại TP.HCM (Ảnh: Cao Thăng)

Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP.HCM cho biết các địa phương cũng triển khai nhiều giải pháp liên kết, tận dụng lợi thế từng khu vực để tạo nguồn hàng bình ổn thị trường.

Đến nay, 28 doanh nghiệp bình ổn thị trường của TP.HCM đã đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất và 63 trang trại, cụm trang trại ở khu vực Đông và Tây Nam Bộ. Tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỷ đồng. Hoạt động liên kết, ứng vốn cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu nông sản đạt 3.200 tỷ đồng/năm.

Đồng thời, 3 chợ đầu mối của TP.HCM cũng là đầu mối tiếp nhận thu mua bình quân 8.000 tấn nông sản, thực phẩm mỗi ngày để tiêu thụ tại thị trường TP và phân phối hàng hóa đi các địa phương khác.

Riêng tại Hội nghị kết nối cung cầu năm nay, gần 600 doanh nghiệp cung ứng, phân phối và xuất khẩu từ 41 tỉnh, TP trưng bày tổng cộng gần 2.000 mặt hàng chủ lực là nông sản, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm chế biến... Tính đến trưa 24/9, đã có gần 600 giao dịch được thực hiện thành công.

Tâm An