Trong những năm qua, thương mại nội địa luôn giữ vững đà tăng trưởng cao. Riêng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hơn 4 triệu 940 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so năm trước, đạt kế hoạch đề ra, qua đó đã cùng xuất khẩu và đầu tư trở thành trụ đỡ quan trọng, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước.

viet nam banTrong những năm qua, thương mại nội địa luôn giữ vững đà tăng trưởng cao

Không những vậy, nguồn cung hàng hóa tại thị trường nội địa cũng luôn dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, cộng thêm các chương trình bình ổn thị trường đã giúp ổn định thị trường chung của cả nước, nhất là trong những dịp cao điểm như Tết Nguyên đán.

Mặt khác, hệ thống hạ tầng thương mại tiếp tục phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo hệ thống phân phối, phù hợp sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập. Công tác quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý bán hàng đa cấp,... cũng được quan tâm đẩy mạnh, đổi mới phương thức, đã tác động và hỗ trợ thị trường trong nước phát triển lành mạnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương, mặc dù cung cầu hàng hóa cơ bản được bảo đảm, nhưng năm 2019 vẫn xảy ra những biến động do mất cân đối cục bộ như: việc tăng giá của thịt lợn hay giảm giá một số mặt hàng nông sản trong vụ thu hoạch.

Có thể thấy sự thiếu liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là đối với hàng thực phẩm thiết yếu đã khiến thị trường dễ bị biến động do tác động từ tâm lý người tiêu dùng. Bên cạnh đó, công tác thông tin, dự báo thị trường còn hạn chế về nguồn lực, cơ sở vật chất và tính đồng bộ về số liệu thống kê,... gây khó khăn trong việc đánh giá tổng thể về thị trường để chủ động có các ứng phó kịp thời.

Hệ thống hạ tầng thương mại dù đã có bước phát triển, nhưng chưa đồng bộ, hạ tầng bán lẻ tăng nhanh nhưng phân bố không đều. Trong khi đó, tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp cũng tác động tiêu cực đến chính sách quản lý, giá cả hàng hóa.

Ðể thúc đẩy thị trường trong nước tiếp tục phát triển lành mạnh và bền vững trong thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất và phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nhằm khuyến khích, hỗ trợ nhà sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm Việt Nam; thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về cung cầu các mặt hàng thiết yếu để phục vụ công tác điều hành thị trường.

Gắn kết giữa sản xuất và phân phối hàng hóaGắn kết giữa sản xuất và phân phối hàng hóa để phát triển bền vững thị trường nội địa

Cùng với đó, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, góp phần bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát và an sinh xã hội. Bộ Công thương cho biết sẽ tiến hành rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về hạ tầng thương mại cho phù hợp bối cảnh mới, tạo môi trường thuận lợi cũng như sự đồng bộ trong phát triển.

Trong đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xúc tiến các chương trình khuyến khích xã hội, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại theo đúng định hướng đã đề ra.

Hoan Nguyễn