Theo kế hoạch, chiều 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan sẽ đăng đàn trả lời chất vấn các vấn đề của ngành nông nghiệp tại phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong dự thảo báo cáo để giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho biết gạo vẫn là lương thực chính, chiếm 70% trong tiêu dùng lương thực của người Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đến cuối năm 2020, diện tích trồng lúa cả nước là hơn 3,94 triệu ha. Trong 2,5 năm (từ 2021 đến tháng 7/2023), khoảng 6.370 ha đất được chuyển đổi mục đích sử dụng và thu hồi diện tích trồng đất lúa. Số diện tích đất chuyển đổi, thu hồi này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên Môi trường thẩm định, trình Thủ tướng chấp thuận.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không ảnh hưởng lớn đến gạo tiêu dùng của Việt Nam
Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không ảnh hưởng lớn đến gạo tiêu dùng của Việt Nam

Tính toán ở kịch bản an toàn cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, lượng lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (dùng chế biến, thức ăn chăn nuôi, dự trữ trong dân, dự trữ quốc gia, làm giống...) khoảng 29,5 triệu tấn thóc một năm. Như vậy, cả nước sẽ còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương tương đương 7-8 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu.

Cạnh đó, hàng năm Việt Nam cũng nhập khẩu sản lượng gạo nhất định từ Campuchia, Ấn Độ để dành sản xuất các sản phẩm chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Ví dụ, lượng gạo nhập từ Campuchia khoảng hơn 1 triệu tấn mỗi năm, để bù đắp trong trường hợp cần thiết. 

“Việt Nam cũng nhập khẩu từ Ấn Độ nhưng chủ yếu sử dụng cho nhu cầu chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi. Do đó, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không ảnh hưởng lớn đến gạo phục vụ cho tiêu dùng của Việt Nam”, Bộ trưởng nhận xét.

Đề cập kế hoạch an ninh lương thực năm 2023, vị trưởng ngành nông nghiệp cho biết, tổng diện tích lúa cả nước năm nay khoảng 7,1 triệu ha, sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn thóc, tăng hơn 452.000 tấn so với 2022. Từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khoảng 367.500 tấn gạo Ấn Độ, tăng gần 32% so với cùng kỳ 2022 và đứng thứ 8 trong số các nước nhập gạo từ quốc gia tỷ dân này.

Thiên Trường