THCL Ước tính trong vòng 4 năm qua, khoảng 10.000 tấn gạo của 16 DN VN xuất sang Mỹ bị trả về. Thiệt hại kinh tế thì đã rõ nhưng cá nhân và tổ chức nào sẽ phải chịu trách nhiệm cũng đang là một chủ đề mà dư luận cả nước quan tâm.
Việc 10.000 tấn gạo bị trả về nó không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà quan trọng nó làm mất uy tín đối với thị trường lúa gạo Việt Nam đối với các đối tác lớn ở nước ngoài. Nguyên nhân thì đã rõ, vậy trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, đơn vị chuyên xuất khẩu gạo vào Mỹ, Nhật, Pháp cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gạo Việt bị trả lại. Thứ nhất do nông dân trồng, bón phân và phun thuốc trừ sâu quá mức cho phép. Thứ hai là do một số doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo tiêu chuẩn sản xuất gạo sạch như thực hành nông nghiệp tốt Việt Nam (VietGAP), GlobalG.A.P.
Ngoài ra, nhiều năm nay gạo Việt xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường dễ dãi về chất lượng như Trung Quốc, châu Phi… với số lượng lớn. Điều này khiến nông dân, DN chạy theo số lượng chứ không chú ý nhiều đến chất lượng gạo.
“Các nước như Mỹ, Nhật, châu Âu đòi hỏi rất cao về chất lượng gạo. Thậm chí họ cấm nhập gạo có chứa hoạt chất thuốc BVTV. Hơn nữa, các nước này mua gạo với giá cao nhưng số lượng không lớn nên DN Việt không quan tâm nhiều đến chuyện chất lượng” - ông Bình nhận xét.
Đồng quan điểm với ông Bình, theo Theo TS Nguyễn Hữu Dũng – GĐ Cty TNHH Dịch vụ và tư vấn thủy sản Quốc tế VSP cho biết, trách nhiệm trước hết thuộc về người trồng lúa, tuy nhiên để dẫn đến hậu quả thì vai trò của Cục Bảo vệ thực vật phải được đặt lên đầu tiên. Bởi đây là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc hướng dẫn cho người trồng nên sử dụng loại thuốc BVTV nào và cách sử dụng ra sao cho an toàn, hiệu quả. Vì trên thực tế, cơ quan quản lý nhà nước mới chỉ hô hào bằng khẩu hiệu mà thiếu hành động “cầm tay chỉ việc” áp dụng vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) vì đơn vị này được ví như người “gác cổng” nhưng lại đang chưa làm hết trách nhiệm của mình trong khâu giám sát trồng, vận chuyển mà chỉ quản lý khâu chế biến nên khi hàng bị trả về, DN là đơn vị chịu nhiều thiệt hại và tai tiếng nhất.
Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia lúa gạo, tại Mỹ, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) chỉ có một phòng thí nghiệm để kiểm chứng duy nhất tại Denver và chỉ kiểm nghiệm khi có tranh chấp và nảy sinh nhu cầu tái kiểm chứng. Mẫu của các lô hàng xuất nhập khẩu thông thường được kiểm tra tại các phòng thí nghiệm tư nhân độc lập đã được FDA cấp giấy phép. Nếu lô hàng xuất đi và bị trả về thì phòng kiểm nghiệm tư nhân chịu trách nhiệm về thiệt hại cho DN.
Trước việc gạo việt xuất khẩu sang Mỹ bị trả về, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã dẫn đầu một đoàn công tác sang Hoa Kỳ làm việc, và phía Hoa Kỳ cũng đã đồng ý giúp VN xây dựng quy định về dư lượng tồn dư tối đa của một số hoạt chất bảo vệ thực vật chính trên gạo. Hiện nay, Cục BVTV đang phối hợp với một số cơ quan của Hoa Kỳ để triển khai. Có một số hoạt chất BVTV có trong quy định được phép sử dụng tại VN mà không có trong quy định của Hoa Kỳ, Cục BVTV sẽ có hướng chỉ đạo để người dân hạn chế tối đa, thậm chí không sử dụng nữa, tránh tái diễn tình trạng hàng XK bị trả về.
Ngọc Linh