Sau khi đã liên tiếp thanh lý vị thế đầu cơ ngắn hạn, các quỹ đầu cơ quay lại mua vào với nỗi lo thiếu hụt nguồn cung khi dự báo triển vọng vụ mùa của Brazil không sáng sủa. Hiện tượng giá cà phê lên xuống mạnh bỏ qua phần nào các tính toán kỹ thuật được cho là đều đã nằm trong tính toán của các nhà kinh doanh, tuy nhiên, chỉ hơi có chút bất ngờ là sự dao động quá mạnh.
Những đợt điều chỉnh quá mạnh trên 2 sàn cà phê vừa qua thêm một lần nữa cho thấy, thông tin về cung-cầu hay tác động của sương giá tác động lên giá cà phê dường như chỉ mang tính chất tham khảo, bởi các yếu tố đó có mạnh thế nào cũng không thể bằng tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của dòng vốn.
Đóng cửa phiên gần nhất, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tại phiên thanh lý vị thế đầu cơ vẫn giữ nguyên hiện tượng giá đảo. Giá cà phê kỳ hạn giao tháng 9 và tháng 11 không có nhiều biến động, đứng lần lượt tại các mức 1.770 USD/tấn và 1.787 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục tăng. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 9 tăng 1,25 Cent (0,71%), giao dịch tại 176,1 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng tăng 1,3 Cent (0,73%), xuống 179,15 Cent/lb. Khối lượng giao dịch vẫn tăng khá.
Brazil báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 7 đạt 2,36 triệu bao cà phê hạt, giảm 14,83% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng đầu tiên xuất khẩu giảm của niên vụ cà phê mới (từ tháng 7/2021 – tháng 6/2022), do sản lượng vụ mùa mới bị thất thu vì khô hạn ngay từ giai đoạn làm bông và cây cà phê arabica vào năm giảm theo chu kỳ hai năm một.
Theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong quý II/2021, giá cà phê thế giới biến động theo xu hướng tăng so với quý I/2021.
Giá cà phê trong nước tăng 400 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm trong ngày hôm qua (4/8).
Nguyên nhân là do diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 ở nhiều nơi, bên cạnh tình trạng thiếu container rỗng kéo dài và giá cước phí vận chuyển tăng cao.
Thị trường cà phê thế giới đã chứng kiến sự thiếu hụt nguồn cung do Việt Nam và một số nước sản xuất lớn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ và các nước châu Âu đều đi lên trong thời gian này.
Trong tháng 7/2021, giá cà phê thế giới chững lại trong những ngày đầu tháng so với cuối tháng 6/2021, nhưng sau đó đã tăng mạnh trở lại. Những ngày cuối tháng 7/2021, giá cà phê thế giới liên tục được ghi nhận ở mức cao lịch sử. Đợt sương giá nghiêm trọng tại Brazil và nguồn cung hạn chế từ Việt Nam là lý do khiến giá cà phê tăng mạnh.
Trúc Mai (T/h)