Tính đến đầu giờ sáng hôm nay 6/5/2019, giá dầu đang giao dịch ở ngưỡng:

Giá dầu thô sàn Nymex (giao tháng 6): 61,94 USD/thùng – giảm 40 cent;

Giá dầu Brent (giao tháng 6): 70.85 USD/thùng - giảm 34 cent;

Giá dầu thô sàn Tokyo (giao tháng 6): 47.060 JPY/thùng - gần như không đổi.

Giá dầu hôm nay 6/5/2019: Xu hướng đi xuống - Hình 1

Ảnh minh họa

Tuần trước, tồn kho dầu Mỹ tăng 9,9 triệu thùng lên 470,6 triệu thùng - cao nhất kể từ tháng 9/2017. Nguyên nhân là sản xuất lập kỷ lục 12,3 triệu thùng một ngày, trong khi tốc độ lọc dầu lại giảm, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm qua cho biết.

"Giá dầu giảm mạnh do nguồn cung tại Mỹ lên cao nhất từ năm 2017", ANZ lý giải, "Các nhà máy lọc dầu Mỹ lại đang bước vào thời kì bảo dưỡng, làm dấy lên lo ngại nhu cầu dầu thô sẽ giảm và tồn kho tăng".

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, trong tháng 4, Mỹ đã có thêm 263.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,6% từ mức 3,8% trong tháng 3. Con số này đánh dấu 103 tháng liên tiếp nền kinh tế Mỹ có thêm việc làm và 31 tháng liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp duy trì dưới mức 5%.

Thống kê về việc làm xuất hiện ngay sau báo cáo về GDP mạnh hồi tuần trước, cho thấy tăng trưởng ở mức thường niên 3,2%, cao hơn hẳn so với con số 2,1% được đặt ra trước đó.

Tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới mức thấp nhất trong 49 năm khiến dự đoán nhu cầu dầu thô sẽ mạnh.  Chứng khoán tăng và đồng USD suy yếu sau báo cáo này cũng hỗ trợ giá dầu. Giá dầu có xu hướng di chuyển theo chứng khoán và nhu cầu đối với hàng hóa liên quan tới USD thường tăng khi USD giảm.

Mỹ đã chính thức cấm xuất khẩu dầu Iran đến mọi quốc gia trên thế giới từ ngày 2/5, biến động chính trị bất ổn tại Venezuela đã dẫn đến khả năng nguồn cung dầu toàn cầu chịu nhiều hạn chế. Sản xuất năng lượng tại Mỹ, tuy nhiên, vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục.

Giới đầu tư đồng thời cũng hoài nghi về việc liệu Saudi Arabia, nước sản xuất dầu lớn nhất Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), có quyết định tăng thêm sản lượng để bù lại cho việc dầu thiếu hụt khỏi thị trường hoặc có động thái kéo dài việc giảm sản lượng với nhiều thành viên trong OPEC cũng như ngoài OPEC. 

Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại Oanda, ông Edward Moya, nhận xét: “Giá dầu vẫn dễ chịu tác động bởi lo lắng về khả năng OPEC và các nước đồng minh sẽ không thể duy trì được thỏa thuận giảm sản lượng, nhưng cùng lúc đó hoạt động sản xuất dầu tại Mỹ và Nga sẽ vẫn được giữ nguyên”.

Saudi Arabia đã cam kết tăng sản lượng nếu cần thiết khi mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu ngừng mọi hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Tuy nhiên, phía sau hậu trường, chính phủ Saudi Arabia và Mỹ nhiều khả năng sẽ đối diện với việc bất đồng xung quanh lượng dầu cần bổ sung thêm để có thể giúp giá dầu duy trì ở mức ổn định.

Bộ trưởng Năng lượng Oman - Mohammed bin Hamad al-Rumhy hôm qua cho biết mục tiêu của OPEC là gia hạn chiến dịch giảm sản xuất đã thực hiện từ tháng 1. Tháng 6, OPEC sẽ nhóm họp tiếp.

Từ đầu năm đến nay, giá dầu được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn gọi là nhóm OPEC+. Nhóm này đã giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày nhằm vực dậy giá dầu sau đợt giảm sâu hồi cuối năm ngoái.

Đinh Hoàng