Mức giá điện sẽ điều chỉnh cụ thể ra sao chưa được công bố; song giá điện tăng, chắc chắc sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá và ảnh hưởng tới tốc độ tăng CPI cả năm 2017.

Ngành điện rục rịch nâng giá…

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải đưa ra kịch bản điều chỉnh giá điện, trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng (Bộ Công thương), nhu cầu tiêu dùng điện và giá nhiên liệu là 2 yếu tố tác động trực tiếp đến giá điện trong năm nay. Giá điện tăng, trước hết do nhu cầu tiêu thụ điện hàng năm của nền kinh tế tăng. Ước tính với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng 11 - 12%/năm.

Để tận dụng ưu thế giá thành sản xuất, các NM nhiệt điện than, nhiệt điện khí được đưa vào vận hành ngày càng nhiều, trong khi các NM thủy điện - nguồn điện giá rẻ - đã phát triển đến mức giới hạn.

Đặc biệt, Việt Nam đang nâng dần tỷ lệ điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời trong cơ cấu nguồn điện. Đây là nguồn điện sạch, nhưng chi phí sản xuất lớn. Thí dụ, giá thị trường của dự án điện gió 7,8 cent/kwh, giá này gần bằng giá bán lẻ điện của EVN trên thị trường hiện nay khoảng 8 cent.

Do đó, việc tăng giá điện trong năm nay khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, khi nhu cầu sử dụng điện tăng, ngành điện phải huy động những nguồn mới như nhiệt điện than, nhiệt điện khí, điện tái tạo nên giá thành sản xuất điện phải tăng theo. Vấn đề đặt ra: Giá điện tăng bao nhiêu thì hợp lý với tốc độ tăng của giá nhiên liệu, tốc độ tăng chi phí đầu tư phát triển nguồn điện?

Giá điện rục rịch tăng: Có thiết lập mặt bằng giá mới? - Hình 1

Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải cân nhắc khi điều chỉnh giá điện

Các chuyên gia Viện Năng lượng tính toán, các NM nhiệt điện than, giá nhiên liệu (than) đầu vào chiếm 30 - 40% chi phí sản xuất điện, tùy theo công nghệ sản xuất của từng NM. Với nhiệt điện khí, chi phí nhiên liệu đầu vào cao hơn, chiếm 60 - 70% chi phí sản xuất điện. Nếu giá than tăng 10%, giá điện sản xuất của các NM nhiệt điện sẽ tăng 3-4%.

Còn với nhiệt điện khí thấp hơn, nếu giá khí tăng 10%, giá thành sản xuất điện của các NM nhiệt điện khí tăng khoảng 2%. Một số chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015, nhưng chưa được cân đối trong giá điện, nhất là than.

Nhận xét về việc giá điện sẽ điều chỉnh tăng, TS. Hưng cho rằng, tăng giá điện cụ thể bao nhiêu %, cần nhìn vào bảng cân đối chi tiết, thông số đầu vào của EVN trong kịch bản giá điện 2017 mới có thể tính toán chính xác.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), để đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh cho EVN trong điều kiện hiện tại, giá điện bán lẻ phải tăng 8 - 10%/năm mới đảm bảo cho các đầu tư dài hạn của EVN.

Cần cân nhắc nhiều yếu tố

Tại cuộc họp báo công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2015 trên cơ sở số liệu đã được kiểm toán độc lập Deloite xác nhận, diễn ra cuối tháng 1/2017 vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết: Đến thời điểm này, Bộ chưa có quyết định tăng giá điện.

Bộ sẽ cân nhắc 4 yếu tố tác động đến giá điện là chi phí nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu sản lượng điện phát. Nếu chi phí mua điện cao hơn từ 7% thì mới tiến hành điều chỉnh.

Trong khi đó, theo tính toán của EVN, do giá nguyên liệu đầu vào (than) tăng nên EVN chưa thể trình được kịch bản giá điện 2017. Riêng giá than cho điện tăng thêm 7% từ 24/12/2016, sẽ làm chi phí đội lên hơn 4.692 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, nguyên tắc hình thành giá điện dựa vào các yếu tố đầu vào, trong đó, than chỉ là một yếu tố. Không phải than tăng là chi phí phát điện sẽ tăng bởi có thể yếu tố này tăng, yếu tố khác giảm nên phải tính toán một cách tổng thể. Và phải xem các chi phí đầu vào đó tăng là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Rất nhiều nhân tố có thể ảnh hưởng đến giá điện như than, biến động tỷ giá…

Cũng theo chuyên gia Ngô Trí Long, điện là yếu tố đầu vào quan trọng của các ngành, lĩnh vực, khi điện tăng, chắc chắn tác động dây chuyền. Giá điện là vấn đề hết sức nhạy cảm nên khi điều chỉnh phải thận trọng.

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, giá than tăng, giá đầu vào tăng sẽ tác động đến giá điện. Việc minh bạch các yếu tố hình thành giá là cần thiết, song cũng cần có cái nhìn công bằng khi tăng giá điện bởi nếu không, làm sao ngành điện phát triển được. Ngành điện là ngành cơ sở hạ tầng quan trọng, nếu thiếu điện thì sẽ ra sao?

Tuy nhiên TS. Lê Đăng Doanh lại cho rằng, việc tới đây tăng giá điện, phí môi trường xăng dầu… dễ khiến giá các hàng hóa từ thép, xi măng, cước vận tải, đến mớ rau, con cá, bát phở, dịch vụ… tăng theo và thiết lập mặt bằng giá mới. Đến nay, giá thành điện chưa được giải trình, các yêu cầu của Thủ tướng với ngành điện về tăng năng suất lao động thế nào, giảm biên chế thừa, giảm hao hụt truyền tải ra sao… cần phải được làm rõ.

Tuy nhiên, việc tăng giá điện có tác động tích cực là người dân sẽ tiết kiệm điện nhiều hơn. Khi tiến tới thị trường bán lẻ cạnh tranh, giá điện tính theo giờ, ngành điện làm rõ giờ nào, bao nhiêu tiền, công tơ đếm được số điện theo giờ, để tính toán cho đúng, phải giải trình rõ…

Cao Huyền