Giá khí đốt bán buôn đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm, sau khi nguồn cung từ Nga sang Châu Âu thông qua lãnh thổ Ukraine đã dừng lại.
Cụ thể, theo Hãng Bloomberg đưa tin, giá khí đốt giao tháng 2/2025 tại Hà Lan đã có thời điểm tăng tới 4,3% vào ngày 2/1, trước khi thu hẹp đà tăng còn 1,9% và được giao dịch ở mức 49,83 Euro (51,17 USD) mỗi megawatt giờ (MWh). Mức cung dự trữ trên khắp Châu Âu đã giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021, khi xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang.
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine, ông German Galushchenko, đã mô tả việc cắt tuyến vận chuyển nói trên là một diễn biến "mang tính lịch sử". Ông cho rằng điều này sẽ buộc các nước trên khắp Châu Âu phải "tự lập" và không phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga. Tuy nhiên, việc chấm dứt nguồn cung khí đốt này đã ngay lập tức khiến hàng trăm nghìn người ở một khu vực tại Moldova bị mất điện.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người đã vận động phản đối quyết định chấm dứt vận chuyển khí đốt qua Ukraine, cho biết việc này sẽ có tác động mạnh mẽ đến Liên minh Châu Âu (EU), chứ không phải Nga.
Lượng khí đốt dự trữ của Châu Âu cạn kiệt với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021, ở mức khoảng 75% do thời tiết đặc biệt lạnh giá ở Châu Âu trong những tuần qua. Theo tổ chức công nghiệp Gas Infrastructure Europe, khối lượng khí đốt trong các cơ sở lưu trữ của khối EU giảm khoảng 19% từ cuối tháng 9/2024.
Hiện tại, chưa có nguy cơ xảy ra khủng hoảng năng lượng ngay lập tức hoặc thiếu hụt ở Châu Âu. EU đánh giá động thái dừng nguồn cung từ Nga không có tác động ngay lập tức đến giá tiêu dùng của khối.
Tuy nhiên, Châu Âu đang gặp khó trong việc kiếm nguồn cung thay thế vì giá khí đốt đã tăng vọt 50% so với cùng kỳ năm trước. Giá năng lượng cao hơn có thể làm tổn hại thêm đến khả năng cạnh tranh của khối và làm tăng chi phí cho các hộ gia đình. Giá cả cũng có thể tăng nếu Châu Âu chuyển sang tăng lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Các nước Trung Âu dễ bị tổn thương nhất khi mất quyền tiếp cận khí đốt tự nhiên của Nga qua Ukraine. Mặc dù có tuyến đường thay thế - TurkStream, để nhận khí đốt tự nhiên của Nga, song tuyến đường đó không đủ để bù đắp hoàn toàn cho việc mất tuyến đường qua Ukraine.
Mạng lưới vận chuyển khí đốt của Ukraine được kết nối với hệ thống đường ống của Moldova, Romania, Ba Lan, Hungary và Slovakia, sau đó mở rộng sang Áo và Italia.
Vào ngày 1/1/2025, Nga đình chỉ việc vận chuyển khí đốt tới EU qua Ukraine sau khi cuộc đàm phán giữa gã khổng lồ năng lượng Nga - Gazprom và công ty Ukraine Naftogaz cùng nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt Ukraine kết thúc mà không đạt được thỏa thuận gia hạn hợp đồng.
PV (t/h)