Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch trung hạn, hàng năm đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho người dạy nghề nông nghiệp, cán bộ quản lý trong công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh rà soát các đối tượng tham gia đào tạo, tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng, phương pháp trong đổi mới chất lượng đào tạo nghề; xác định các nghề phục vụ sản xuất sản phẩm chủ lực ở các địa phương, có giá trị kinh tế gắn với phát triển du lịch nông thôn; bổ sung cho người học kỹ năng về quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin,… xây dựng các phương án sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Về đầu ra sản phẩm có truy suất nguồn gốc, chứng nhận an toàn, cấp mã vùng trồng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp; phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...
Đồng thời, yêu cầu Sở LĐTB&XH phối hợp, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao đông nông thôn, bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho người dạy nghề cho lao động nông thôn; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng hóa các nghề đào tạo; khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp, hợp tác xã; tham gia vào chương trình đào tạo để đáp ứng các yêu cầu, điều kiện của doanh nghiệp; đổi mới nội dung, chương trình phù hợp dạy nghề cho lao động nông thôn.
Sở Tài chính trên cơ sở dự toán của các cơ quan, đơn vị phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí triển khai các hoạt động về đào tạo nghề nông nghiệp theo quy định.
Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Sở Công Thương hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nâng cao năng lực về tìm hiểu thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tham gia Hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; tuyên truyền để cung cấp thông tin thị trường hàng hóa; hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm.
Sở KH&CN phối hợp, chuyển giao kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp cho các địa phương, đơn vị, hợp tác xã; hỗ trợ đăng ký xác lập bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp, hướng dẫn xây dựng nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm...
Giao Sở TT&TT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở, thông tin trên mạng internet trên địa bàn tỉnh, tổ chức thông tin các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, định hướng phát triển kinh tế nông thôn, sản xuất nông nghiệp, các yêu cầu về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Sở GD&ĐT tổ chức tốt các hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường học. Liên minh hợp tác xã tỉnh tư vấn, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ phục vụ cho việc hình thành và phát triển của hợp tác xã nông nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn thành lập mới các hợp tác xã, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động tại hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn người lao động tại địa phương tham gia học nghề; kiểm tra, khảo sát thị trường lao động; xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn; rà soát đối tượng lao động nông nghiệp; ưu tiên đào tạo cho lao động vùng dân tộc thiểu số, miền núi; người nghèo và phụ nữ.
Ngoài ra, xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn; kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đào tạo nghề tại địa phương. Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề.
PV