Theo số liệu thống kê (tính đến ngày 31/7), những đơn vị nợ “như chúa chổm” đều là những công ty, tập đoàn có tiếng tăm trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Cụ thể, Công ty cổ phần Đông Hưng nợ BHXH lên đến 79 tháng (6 năm 7 tháng), với số tiền trên 2 tỉ đồng; Công ty cổ phần xây dựng và vận tải Gia Lai nợ 41 tháng với số tiền trên 3 tỉ đồng; Chi nhánh công ty TNHH Vinh Quang I nợ 53 tháng với trên 500 triệu; công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức trên 7 tỉ đồng; công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh dịch vụ 117 trên 2 tỉ đồng; chi nhánh Tây Nguyên- Tổng công ty XDCT GT 1 nợ 46 tháng với số tiền trên 470 triệu đồng.
Số liệu các công ty nợ tính đến 31/7/2018.
Xuất hiện trong danh sách nợ nhiều, và lâu còn có Tập đoàn Đức Long Gia Lai (một trong những đơn vị có tiếng về xây dựng trên địa bàn tỉnh) cũng nợ lên đến 19 tháng với số tiền gần 600 triệu đồng. Nợ nhiều nhất là Công ty cổ phần Sông Đà 3 nợ 30 tháng với số tiền trên 12 tỉ đồng.
Mặc dù BHXH tỉnh đã thành lập đoàn công tác, cũng như phối hợp với các ban ngành liên quan, chính quyền địa phương nơi các đơn vị này đóng trụ sở nhằm đôn đốc, nhắc nhở cũng như xử phạt vi phạm hành chính nếu đủ điều kiện. Về phía doanh nghiệp cũng hứa sẽ thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH. Tuy nhiên đến nay chỉ có một vài đơn vị đóng với số tiền rất ít so với số tiền đang nợ. Hiện, BHXH tỉnh Gia Lai đã gửi thông tin 8 công ty dây dưa, chây ì đóng BHXH này sang cơ quan Công an tỉnh để phối hợp xử lý.
Công ty Đông Hưng-Một trong những công ty nợ BHXH kéo dài với số tiền trên 2 tỉ đồng
Sự chây ì đóng BHXH cho người lao động của các công ty sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Theo đó, trong thời gian mà các công ty đang nợ bảo hiểm, nếu người lao động bị ốm đau, thai sản…thì sẽ không được hưởng các chế độ theo quy định, những người nghỉ hưu theo chế độ khi hết tuổi lao động… cũng không được hoàn thiện hồ sơ để hưởng lương hưu theo quy định.
Một lãnh đạo, BHXH tình Gia Lai cho biết: “Nguyên tắc theo luật quy định, thì có đóng mới có hưởng. Cho nên, hiện nay những đơn vị chậm đóng đó thì quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, chậm được hưởng và cũng rất khó khăn. Hiện, đơn vị đã xử phạt một vài công ty theo đúng quy định của pháp luật”.
Được biết, ngoài 8 đơn vị nói trên, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều công ty, doanh nghiệp khác nợ BHXH. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế tài cũng như văn bản nào hướng dẫn vấn đề này nên cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng trong cách xử lý. Người lao động vẫn hàng ngày làm việc, đóng góp sức lao động của mình cho các doanh nghiệp, nhưng BHXH vẫn nợ. Vậy, ai sẽ phải chịu trách nhiệm cũng như bảo vệ quyền lợi cho người lao động?.
Kim Yến