Quyền lợi hợp pháp bị xâm hại
Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp, nhưng tình trạng nợ, trốn đóng BHXH vẫn phổ biến. Hiện cả nước mới chỉ có 235.000 DN tham gia BHXH, trong khi số DN do cơ quan thuế quản lý lên tới gần 500.000 DN. Tình trạng nợ BHXH diễn ra ở tất cả loại hình kinh tế, tập trung vào khối DN ngoài quốc doanh.
Theo Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình, hiện có 102.900 đơn vị nợ BHXH của 2,6 triệu lao động với số tiền 14.700 tỷ đồng. BHXH đã khởi kiện 8.840 vụ và yêu cầu trả khoảng 6.000 tỷ đồng, toà án các cấp đã xử 3.986 vụ; còn 1.400 đơn trả lại cho các cấp.
Có thể thấy, việc nợ, trốn BHXH không chỉ ảnh hưởng khả năng chi trả của ngành bảo hiểm mà hậu quả rõ nhất là người lao động phải gánh chịu. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW phân tích, DN vừa chiếm dụng số tiền lẽ ra phải trích đóng cho NLĐ, vừa lấy luôn cả số tiền trích đóng BHXH hằng tháng mà DN đã khấu trừ qua lương để phục vụ mục đích riêng của mình.
Khi DN không nộp BHXH, NLĐ sẽ không được hưởng bất kỳ chính sách nào theo quy định (Bảo hiểm Y tế, ốm đau, hưu trí, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…); thậm chí phải đối diện với nguy cơ đói nghèo, trở thành gánh nặng cho xã hội, ảnh hưởng đến an sinh xã hội nói chung. Có nhiều trường hợp NLĐ chuyển công tác đã vài năm vẫn không chuyển được BHXH vì DN nợ BHXH; có người khi mất cũng không được hưởng chế độ vì DN chưa đóng BHXH.
Điều lo ngại nhất là hiện có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ BHXH từ các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn. Đây là dạng “nợ treo” hầu như không thể thu hồi và quyền lợi của NLĐ ở các DN này cũng bị “treo” chưa được giải quyết.
DN không nộp BHXH, NLĐ sẽ không được hưởng bất kỳ chính sách nào theo quy định
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, nguyên nhân tình trạng nợ BHXH, một phần do kinh tế khó khăn nhưng đa phần là cố tình chây ì để chiếm dụng vốn do quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng nên đại bộ phận DN cố tình nợ BHXH, chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH. Chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH còn nhiều bất cập như mức xử phạt thấp, thủ tục xử phạt phức tạp.
“Quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 14 Luật BHXH năm 2014 thì tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện DN nợ, trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác khởi kiện còn nhiều vướng mắc do pháp luật đang có sự chồng chéo và bất cập trong việc khởi kiện.
Thiết nghĩ, phải sửa đổi, bổ sung để có sự đồng bộ về Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật BHXH, Bộ luật Hình sự nhằm tạo sự thuận lợi trong công tác khởi kiện DN nợ BHXH, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Bên cạnh đó, để giảm nợ BHXH cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát và nâng cao ý thức chấp hành của DN và đơn vị tham gia BHXH”, Luật sư Hà nói.
Vì lợi ích các bên
Tại Phiên chất vấn Quốc hội ngày 18/11, ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh đặt vấn đề, khởi kiện được kỳ vọng như là một công cụ hữu hiệu để thu hồi nợ, trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này vẫn chưa được thực hiện hiệu quả. Thậm chí, tổ chức công đoàn ở nhiều địa phương đã làm đơn khởi kiện DN nợ BHXH ra toà án nhưng đều bị trả lại, gây bức xúc trong xã hội và chưa có giải pháp xử lý hiệu quả?
Trả lời chất vấn về việc này, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng, một trong những vướng mắc là do các tổ chức công đoàn không được NLĐ ủy quyền nên thông tin ra đến toà không chính xác, chưa thống nhất. Có nhiều đại diện công đoàn sau khi khởi kiện, được mời ra toà thì không ra. Bên cạnh đó, đây là vụ kiện dân sự nên các nguyên đơn - bị đơn bình đẳng và các bên có quyền thoả thuận.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, nếu buộc công đoàn phải nhận được giấy ủy quyền có đóng dấu, chữ ký công chứng thì “vượt cả Hiến pháp”. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng không đồng tình việc DN nợ BHXH chỉ xử lý dân sự.
“Xử lý hình sự hay không thì là vấn đề khác. Nhưng chiếm đoạt bảo hiểm NLĐ là hành vi vi phạm pháp luật, phải được xét xử chứ không phải chỉ là đi khởi kiện”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định, nợ BHXH là vấn đề nóng, muốn hay không cũng phải giải quyết để làm sao nợ BHXH phải được khắc phục. Quốc hội đã quyết định, sau 1/1/2018, các hành vi vi phạm đến nợ bảo hiểm bắt buộc thì coi như là tội phạm, nếu vụ án bị xét xử, cơ quan điều tra vào cuộc thì toà án các cấp phải thụ lý. Riêng trách nhiệm của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao sẽ ban hành Nghị quyết hướng dẫn xử lý các vụ án hình sự liên quan đến BHXH.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình: "Hành vi nợ bảo hiểm được coi là tội phạm".
Tranh luận lại với Chánh án Nguyễn Hoà Bình sau khi đã được trả lời, ĐB Trương Thị Bích Hạnh cho rằng, Chánh án đưa ra giải pháp sắp tới sẽ tiến hành xử lý hình sự các DN nợ BHXH nhưng đây có thể xem là giải pháp để thu hồi, giảm bớt nợ BHXH nhưng không phải là giải pháp thực hiện quyền khởi kiện của công đoàn. Vì vậy, ĐH Hạnh đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiến hành nghiên cứu rà soát để tháo gỡ vướng mắc, giải bài toán về công đoàn đại diện cho NLĐ khởi kiện.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính: Điều 14, Luật BHXH năm 2014 cần phải được sửa theo hướng quy định rõ công đoàn cấp trên được quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH và không cần NLĐ phải ủy quyền. Nếu quy định NLĐ phải ủy quyền cho công đoàn sẽ rất phức tạp, bởi muốn ủy quyền phải đến UBND xã làm giấy ủy quyền với lệ phí 130.000 đồng/giấy.
Với DN có khoảng 1.000 lao động thì không thể thực hiện ủy quyền được và nếu có ủy quyền, thì tòa án cũng chỉ xét xử theo dạng tranh chấp cá nhân. Một hướng đề xuất nữa để giải quyết vấn đề khởi kiện DN nợ đọng BHXH là cơ quan BHXH sẽ vừa thanh tra thu vừa có quyền khởi kiện DN. Để thực hiện theo hướng này hoặc phải sửa Luật BHXH hoặc Luật Tố tụng dân sự. Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội về việc sửa Luật BHXH và giao quyền khởi kiện cho cơ quan BHXH bên cạnh chức năng thanh tra.
Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, quỹ BHXH không chỉ là phần thu từ NLĐ mà có một phần không nhỏ từ ngân sách nhà nước đóng góp để bảo đảm an sinh xã hội (thông qua việc để lại lợi nhuận trước thuế của DN) mà chủ sử dụng lao động có trách nhiệm nộp vào quỹ BHXH. Vì vậy, ngoài việc để tổ chức công đoàn khởi kiện, BHXH Việt Nam cũng kiến nghị các cấp, cơ quan có thẩm quyền cho phép cơ quan BHXH (với tư cách đại diện Nhà nước quản lý sử dụng quỹ BHXH) cũng có quyền khởi kiện đơn vị, DN nợ BHXH ra tòa, nhằm bảo đảm quyền lợi không chỉ cho NLĐ mà còn cho lợi ích của Nhà nước và cả xã hội...
Hoan Nguyễn