Chợ phiên nông sản an toàn được tổ chức không chỉ nhằm quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm, đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp-ngành kinh tế chủ lực của tỉnh-mà còn là hoạt động đầy ý nghĩa hướng người tiêu dùng đến thói quen sử dụng sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe. Qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Tham gia phiên chợ nông sản an toàn TP. Pleiku với sản phẩm cà phê sạch nguyên chất, chị (09A Trần Phú, TP. Pleiku, Gia Lai) cho biết: “Chị bán cà phê ở bến xe thành phố Pleiku cũng gần 20 năm nay, vì đối tượng khách hàng của chị toàn là khách vãng lai, người lao động hay là buôn bán nên trước giờ chị chỉ toàn bán loại cà phê trộn. Gần đây vô tình xem trên các phương tiện thông tin đại chúng mới biết được thành phần của cà phê trộn có hại cho sức khỏe nên chị quyết định không bán nữa và tìm tòi chuyển hướng qua sản phẩm cà phê an toàn cho sức khỏe con người. Hiện nay chị sản xuất và bán cà phê nguyên chất, cà phê được chị đích thân tuyển chọn tại vườn mang về, các công đoạn như sấy, rang, xay đều được kiểm tra nghiêm ngặt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Giờ đây sản phẩm cà phê “Bé Thơm” của chị đang dần được người tiêu dùng tiếp nhận và ủng hộ. Chị tham gia chợ phiên không chỉ với mục tiêu tìm đầu ra cho sản phẩm mà quan trọng hơn là mong muốn giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm sức khỏe”.
Khách hàng thưởng thức cà phê "Bé Thơm" tại chợ phiên nông sản an toàn
Cũng tại phiên chợ nông sản an toàn, chị Nguyễn Thị Thủy (159 Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku) giới thiệu những sản phẩm về dược liệu như: sâm đá, sâm cau, nấm ngọc cẩu, sâm dây, nấm linh chi, cốt toái bổ, nấm cổ cò, nấm lim xanh, nấm hắc chi, sa nhân tím, lan kim tuyến, ba kích, chuối rừng, sâm đương quy, sâm bố chính, khổ qua rừng, trái ươi, mật nhân, kiến kỳ nam, tắc kè đá, chè dây...Chị Thủy cho biết, các loại dược liệu trên đều rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng bồi bổ và điều trị được một số loại bệnh. Thông qua chợ phiên nông sản, chị muốn người tiêu dùng được tiếp cận nhiều hơn và gần hơn các sản phẩm an toàn và chăm sóc sức khỏe.
Gian hàng dược liệu phong phú và đa dạng các mặt hàng
Qua phiên chợ, các doanh nghiệp, hợp tác xã có cơ hội gắn kết trực tiếp với người sản xuất, liên kết với nhau từng bước hình thành vùng nguyên liệu, thúc đẩy sản xuất, góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm được bán tại các phiên chợ đều có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hoặc đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có hơn 49 ngàn tem truy xuất nguồn gốc được cấp cho các cá nhân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Thông qua đó, người tiêu dùng có thể nhận biết được sản phẩm từ nơi sản xuất, đơn vị sản xuất, quy trình sản xuất.
Chợ phiên nông sản an toàn đã thu hút rất đông người dân đến tham quan, mua sắm. Mua một bó rau, giá 5.000 đồng, một túi cà chua giá 15.000 đồn tại chợ phiên, anh Nguyễn Xuân Hiếu (đường Duy Tân, TP. Pleiku) phấn khởi: “Hàng chất lượng, giá bán hợp lý nên đàn ông chúng tôi đi mua sắm khỏi phải trả giá. Đặc biệt, sản phẩm bán ở đây đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận an toàn nên tôi rất yên tâm ”.
An toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Sự xuất hiện của chợ phiên nông sản an toàn vì thế thực sự là “điểm sáng” đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn của người dân; đồng thời là cơ hội quảng bá, tìm đầu ra của các cơ sở sản xuất nông sản an toàn trên địa bàn. Tuy nhiên, việc duy trì, hướng đến thương hiệu chợ phiên nông sản an toàn là cả một hành trình lâu dài, đòi hỏi sự chung tay trách nhiệm của cả cộng đồng.
Kim Yến