Theo đó, Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng sẽ thực hiện đồng loạt tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai từ ngày 10/6 đến ngày 10/7/2019. Trong đó, khu vực xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi gồm: vùng dịch thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng liên tục 1 lần/ngày trong vòng một tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong tuần thứ hai, 2 lần/tuần trong tuần thứ 3 và 1 lần/tuần trong tuần thứ 4. Vùng bị dịch uy hiếp trong phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch vệ sinh tiêu độc khử trùng liên tục 1 lần/ ngày trong vòng một tuần đầu tiên; 2 lần/tuần trong tuần thứ 2 và 1 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo. Vùng đệm trong phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng với tần suất 1 lần/ tuần liên tục trong vòng một tháng kể từ khi có ổ dịch.

Gia Lai: Xuất hơn 3.300 lít Bencocid phòng, chống dịch tả heo Châu Phi - Hình 1

Chốt kiểm dịch tạm thời phun thuốc tiêu độc khử trùng các phương tiện (Ảnh: Báo Gia Lai)

Tập trung tiêu độc khử trùng tại các khu vực có nguy cơ cao như chợ buôn bán động vật và sản phẩm động vật; khu vực giết mổ, hộ chăn nuôi heo; Chốt kiểm soát ổ dịch, phương tiện, dụng cụ vận chuyển xác động vật… người tham gia tiêu hủy heo bệnh cần thực hiện vệ sinh, sát trùng nhằm tránh lây lan mầm bệnh…

Các địa phương chưa xảy ra dịch tả heo châu Phi tổ chức tiêu độc khử trùng định kỳ tại các khu vực chăn nuôi, chợ, khu vực buôn bán, giết mổ. Sử dụng các loại hóa chất sát trùng trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam…

Hiện tại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai đã xuất cấp 3.360 lít hóa chất Bencocid từ nguồn dự trữ của tỉnh cho các địa phương thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và các chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời nhằm ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan trên diện rộng.    

Kim Yến