Gạo Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu hôm nay tiếp tục duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 588 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 562USD/tấn; gạo 100% tấm duy trì ổn định ở mức 485 USD/tấn.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2024 xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 10,9% về lượng, giảm 12,6% kim ngạch so với tháng 3/2024 và giá giảm 2%, đạt trên 1 triệu tấn, tương đương 619,89 triệu USD, giá trung bình 618,6 USD/tấn.
Tính chung cả 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 9,4% về lượng, tăng 33,5% về kim ngạch và tăng 22% về giá so với 4 tháng năm 2023, đạt gần 3,17 triệu tấn, tương đương gần 2,04 tỷ USD, giá trung bình 642,7 USD/tấn. Trong đó, gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines, chiếm 47% trong tổng lượng và chiếm 45,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt gần 1,49 triệu tấn, tương đương gần 935,61 triệu USD, giá 628 USD/tấn, tăng 15,8% về lượng, tăng 44,5% về kim ngạch và tăng 24,8% về giá so với 4 tháng năm 2023.
Đứng thứ 2 thị trường là Indonesia, xuất khẩu gạo tăng mạnh 79% về lượng, tăng 133,7% kim ngạch và tăng 30,5% về giá so với 4 tháng năm 2023, đạt 548.582 tấn, tương đương 348,31 triệu USD, giá 634,9 USD/tấn, chiếm trên 17% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Các doanh nghiệp cho biết, giá gạo xuất khẩu hiện khá ổn định và nguồn cầu của thế giới vẫn ở mức cao. Trong các dự báo gần đây, VFA cũng đã nhận định rằng, xuất khẩu vẫn có nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường vẫn ở mức cao. Trong khi đó, Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vẫn đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng. Các quốc gia khác như Indonesia, Philippines, Malaysia sản lượng sản xuất giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trong nước biến động trái chiều, có loại bật tăng 4.000 đồng/kg
Giá lúa gạo hôm nay tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xu hướng giảm với gạo nguyên liệu, trong khi đó giá gạo lẻ tại chợ tăng mạnh, riêng giá lúa không biến động.
Trên thị trường lúa, hôm nay giá tiếp tục đi ngang. Theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa IR 504 ổn định ở mức 7.500-7.600 đồng/kg; lúa OM 5451 duy trì quanh mức 7.600 - 7.700 đồng/kg; lúa OM 380 ở mốc 7.500 - 7.600 đồng/kg; Lúa Đài thơm 8 duy trì ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 ở mức 7.600 - 7.700 đồng/kg; Lúa Nhật giá 7.800 - 8.000 đồng/kg; OM 18 ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; giá Nếp Long An dao động quanh mức 9.800 - 10.500 đồng/kg; Nàng Nhen khô 20.000 đồng/kg.
Trên thị trường gạo, giá hôm nay giảm nhẹ 50 đồng/kg với gạo nguyên liệu Hè thu. Hiện giá gạo nguyên liệu Hè thu còn 11.550-11.650 đồng/kg; trong khi đó gạo thành phẩm vẫn giữ nguyên giá ở mức 13.850 -13.950 đồng/kg.
Với phụ phẩm hôm nay đi ngang. Theo đó, giá tấm OM 5451 duy trì ở mức 10.300-10.400 đồng/kg; giá cám khô ổn định quanh mức 7.050-7.150 đồng/kg.
Tại các địa phương An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp… hôm nay nguồn gạo về ít, gạo mới chất lượng yếu, nhu cầu hỏi mua chậm; gạo lô đẹp kho chào giá cao hơn. Tuy vậy thị trường nhìn chung vẫn chậm, chưa có đột phá.
Tại các chợ lẻ, sau nhiều ngày đi ngang, giá một số loại gạo bật tăng từ 500-4.000 đồng/kg. Các loại gạo tăng gồm: Jasmine 18.000 - 20.000 đồng/kg, tăng 500-1.000 đồng/kg; gạo Nàng Nhen 30.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg; gạo Nàng hoa 20.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Các giống gạo còn lại giá ổn định gồm: Gạo tẻ thường dao động quanh mốc 15.000 - 16.000 đồng/kg; thơm thái hạt dài 19.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Hương lài 20.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 18.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 18.000-19.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 18.500 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg.
Minh An(t/h)