Chốt phiên giao dịch chiều 28/7, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại 56,50 - 57,20 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với phiên giao dịch buổi sáng. Chênh lệch giá bán cao hơn giá mua 700.000 đồng/lượng. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là mức chênh lệch cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.
Cùng với thông báo ngừng giao dịch trực tiếp để phòng chống dịch Covid-19, hệ thống Bảo tín Minh Châu vẫn giữ nguyên giá vàng niêm yết trên bảng giao dịch điện tử nhiều ngày nay.
Theo đó, giá vàng SJC vẫn đứng ở 56,90 - 57,52 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.
Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội cũng giảm mạnh 200 nghìn đồng chiều mua vào nhưng lại tăng mạnh 200 nghìn đồng chiều bán ra khi được niêm yết 56,50-57,90 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, đến 21h ngày 28/7, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco ở mức 1.797,6 - 1,98,6, giảm 2,4 USD so với phiên giao dịch liền kề. Giá vàng thế giới neo gần mức 1.800 USD, khi giới đầu tư chờ đợi tín hiệu về kế hoạch thu hẹp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Kết quả cuộc họp chính sách của Fed sẽ được công bố vào chiều muộn ngày 28/7 (theo giờ Mỹ), sau đó là đến cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Giới đầu tư sẽ tìm kiếm những dấu hiệu về thời điểm ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu giảm các biện pháp hỗ trợ tiền tệ.
Bên cạnh đó, điều mà thị trường buộc phải theo sát là những bình luận về việc giảm dần quy mô chương trình mua tài sản. Đây là yếu tố sẽ quyết định giá vàng sẽ phục hồi hay bị bán tháo sau cuộc họp của Fed.
Theo các nhà phân tích hàng hóa tại Commerzbank, ngân hàng của Đức có trụ sở tại Frankfur, Trung Quốc chứng kiến nhu cầu mua vàng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021.
Trích dẫn dữ liệu thương mại từ chính phủ Trung Quốc, Ngân hàng Đức cho biết, gần 31 tấn vàng ròng đã được vận chuyển từ Hong Kong (Trung Quốc) đến Trung Quốc vào tháng 6/2021.
Trúc Mai