Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong tháng 6/2024 Việt Nam xuất khẩu được 28.162 tấn hồ tiêu các loại, so với tháng trước lượng xuất khẩu giảm 10,2%, tuy nhiên kim ngạch lại tăng nhẹ 0,1%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 142.586 tấn hồ tiêu các loại, giảm 6,8% về lượng nhưng tăng 30,5% về giá trị . Ngoài tiêu, năm nay ghi nhận sự bứt phá của các loại gia vị khác như gừng, tỏi, nghệ.
Số liệu từ Hải quan cho thấy xuất khẩu nghệ đạt 3 triệu USD, tăng 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái; gừng đạt 5,6 triệu USD, tăng gần 9 lần và tỏi đạt 4,7 triệu USD, tăng 3 lần.
Tương tự, ớt Việt Nam cũng được nhiều quốc gia tăng cường thu mua. Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này khoảng 44,5 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong nhóm gia vị, quế là mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị lớn thứ hai sau hồ tiêu và trên thị trường thế giới, VN cũng đứng đầu về sản lượng. Trong 6 tháng qua, VN xuất khẩu gần 45.000 tấn quế, tổng kim ngạch đạt 127 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu tăng 3,9% tuy nhiên kim ngạch giảm 1,8%. Các thị trường xuất khẩu chính là Ấn Độ, Mỹ và Bangladesh…
Tuy không có kim ngạch cao như hạt tiêu hay quế nhưng trong nửa đầu năm nay một số mặt hàng gia vị lại đạt tốc độ tăng trưởng rất mạnh. Tăng cao nhất phải kể đến là nghệ tăng 14 lần và đạt giá trị xuất khẩu 3 triệu USD. Kế đến là gừng, tăng 9 lần đạt giá trị 5,6 triệu USD và tỏi tăng 3 lần đạt 4,7 triệu USD… Để đạt được những kết quả ấn tượng này là quá trình phấn đấu của nhiều DN. Họ không chỉ đơn thuần xuất khẩu những sản phẩm riêng lẻ mà đang hướng tới các sản phẩm gia vị hoàn chỉnh, tiện dụng cho người tiêu dùng quốc tế nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty CP Dh Foods, cho biết: Xuất khẩu hàng gia vị bằng thương hiệu của DN là điều không dễ dàng. Để ngành hàng này phát triển bền vững và phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thế giới thời gian qua công ty liên tục tham dự các triển lãm quốc tế tại các nước và đón khách quốc tế tại các triển lãm ở VN. "Bên cạnh đó chúng tôi vẫn đang cố gắng nâng cao chất lượng bằng cách đa dạng hóa danh mục sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Điều quan trọng là cung cấp dịch vụ khách hàng tốt bao gồm tư vấn sản phẩm, giao hàng nhanh chóng và hỗ trợ sau bán hàng chu đáo để tạo dựng lòng tin và sự hài lòng của khách hàng. Các khách hàng đầu tiên của Dh Foods cũng mất đến 1 - 2 năm để thương thảo nhưng sau này khi công ty đã chinh phục được các thị trường và khách hàng khó tính như Nhật Bản hay châu Âu thì việc "chốt đơn" với khách hàng mới cũng nhanh hơn trước khá nhiều. Để tiếp tục chinh phục thị trường, chúng tôi cũng tiếp tục đầu tư một nhà máy mới ở Long An để sản xuất các sản phẩm với chất lượng ngày càng tốt hơn", ông Dũng chia sẻ.
Cũng là người tâm huyết với ngành gia vị, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty Trí Việt Phát, chia sẻ: Thay vì xuất khẩu theo cách truyền thống như nhiều người vẫn nghĩ thì tôi xuất khẩu tại chỗ cho các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam như: McDonalds, KFC, Jollibee, CP… Một số đối tác nhập hàng gia vị của công ty để cung cấp cho các thị trường lân cận, thậm chí là chuỗi sản xuất của họ trên toàn cầu. "Để trở thành nguồn cung cấp cho các đơn vị này thì đòi hỏi chúng tôi phải đầu tư bài bản từ nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường. Sau một thời gian, chúng tôi nhận thấy đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng và bản thân chúng tôi có thế mạnh về sản xuất. Chính vì vậy bên cạnh theo hợp đồng của đối tác, chúng tôi cũng phát triển các sản phẩm với thương hiệu riêng của mình phục vụ thị trường nội địa, mảnh đất vàng với hơn 100 triệu dân", bà Vân Anh cho biết.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng xuất khẩu nhiều loại gia vị tăng vọt là do nguồn cung trên thế giới giảm. Trong khi đó nhu cầu dự trữ gia vị từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản tăng cao. Hiện Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, UAE và Philippines nằm trong TOP 5 quốc gia ưa chuộng gia vị Việt Nam.
Ngoài hồ tiêu thì nhiều mặt hàng gia vị xuất khẩu đứng hàng thứ 2 - 3 thế giới. Vì thế, tổng kim ngạch xuất khẩu các loại mặt hàng gia vị Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 2 tỉ USD.
VPSA đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng loại cây trồng, xây dựng cơ chế phù hợp để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, Bộ cần xử lý tình trạng tồn dư hóa chất trong thuốc trừ cỏ và thuốc trừ sâu đối với các sản phẩm như quế, ớt, gừng, nghệ.
Lê Thanh ( t/h)