Theo Reuters, biên bản cuộc họp của Fed cho thấy các quan chức lo ngại rằng tiến trình về lạm phát có thể bị đình trệ và cần một thời gian dài hơn để thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các nhà đầu tư từng kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu vào tháng 6. Tuy nhiên, khả năng cao tháng 9 mới là thời điểm Fed cắt giảm lãi suất, căn cứ vào chỉ số lạm phát tiêu dùng liên tiếp vượt quá dự báo.
Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4%, tương tự mức tăng hồi tháng 2; giá xăng tăng 1,7% sau khi tăng 3,8% trong tháng 2; chi phí nơi ở, bao gồm tiền thuê nhà, tăng 0,4%, ngang bằng với mức tăng trong tháng 2. Trong một năm qua (tính đến tháng 3), CPI tăng 3,5%, cao hơn dự báo tăng 3% của các nhà kinh tế.
Trong khi đó tại châu Âu, các quan chức thuộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ chi phí đi vay ở mức cao kỷ lục, nhưng phát tín hiệu ECB có thể sớm cắt giảm lãi suất (có thể từ tháng 6).
Việc cắt giảm lãi suất chậm hơn có thể làm giảm nhu cầu dầu. Tuy nhiên OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu toàn cầu 2,25 triệu thùng/ngày vào năm 2024 và 1,85 triệu thùng/ngày vào năm 2025.
Trong tuần, Israel và Hamas đã bắt đầu một vòng đàm phán mới nhưng các cuộc đàm phán vẫn chưa mang lại thỏa thuận ngừng bắn nào.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu ngày 12/4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.848 đồng/lít. Xăng RON 95-III không quá 24.821 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 21.610 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 21.594 đồng/lít. Dầu mazut không quá 17.008 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 11/4. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 giảm 68 đồng/lít trong khi giá xăng RON 95-III tăng 20 đồng/lít. Ngược với sự giảm của dầu mazut (288 đồng/kg), giá dầu diesel và dầu hỏa tăng mạnh lần lượt là 622 đồng/lít và 579 đồng/lít.
Việt Anh (t/h)