Theo Oilprice, lúc 4h25 ngày 21/2 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 78,27 USD/thùng, giảm 1,16% (tương đương giảm 0,92 USD/thùng). Giá dầu Brent ở mốc 82,48 USD/thùng, giảm 1,29% (tương đương giảm 1,08 USD/thùng).
Giá dầu đi xuống do dự báo nhu cầu giảm từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Mới đây, IEA đã đưa ra dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay sẽ giảm xuống còn 1,22 triệu thùng/ngày, bằng khoảng 1/2 mức tăng trưởng của năm 2023, thấp hơn so với dự báo 1,24 triệu thùng/ngày trước đó.
Bên cạnh đó, mức tăng giá sản xuất trong tháng 1 của Mỹ lớn hơn dự kiến làm tăng lo ngại về lạm phát và nâng giá đồng USD cũng tác động tiêu cực lên giá dầu.
Chỉ số DXY - đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt đã tăng trong 5 tuần liên tiếp. Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến dầu được định giá bằng tiền tệ này trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó làm giảm nhu cầu về dầu.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn nhận được sự hỗ trợ trước mối lo ngại về nguồn cung, khi rủi ro địa chính trị tại Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Israel dự định tiến hành một cuộc đổ bộ lớn vào thành phố Rafah của Gaza.
Tại khu vực Trung Đông, lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen vẫn tiếp tục tấn công các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đỏ và eo biển Bab al-Mandab, làm tăng rủi ro cho hoạt động vận chuyển dầu toàn cầu.
Các nhà đầu tư cũng đang dõi theo số liệu từ Trung Quốc, từ đó có cái nhìn rõ hơn về kinh tế của nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới này trong tháng đầu tiên của năm 2024 để có định hướng trong giao dịch.
Trong nước, giá bán lẻ xăng dầu ngày 21/2 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 15/2 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng lên mốc 22.831 đồng/lít; xăng RON 95 lên mốc 23.919 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel lên mốc 21.361 đồng/lít; dầu hỏa lên mốc 21.221 đồng/lít. Dầu mazut trong phiên điều chỉnh lần này cũng điều chỉnh tăng, cụ thể, tăng lên mốc 15.906 đồng/kg.
Việt Anh (t/h)