Đóng phiên cuối tuần, giá dầu Brent giảm 39 cent, tương đương 0,52%, xuống 74,49 USD/thùng; giá dầu WTI giảm 3 cent, tương đương 0,4%, xuống 71,92 USD/thùng.
Như vậy, sau khi rơi xuống dưới mốc 69 USD/thùng, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu nay đã tăng hơn 5 USD/thùng. Tính hết tuần này, cả 2 mặt hàng dầu chuẩn đều tăng hơn 4%.
Nhận định về lý do giá dầu trượt nhẹ trong phiên ngày thứ sáu, các phân tích cho thấy do nhu cầu chậm từ thị trường Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ hàng hóa lớn hàng đầu thế giới. Trong tháng 8, sản lượng lọc dầu tại Trung Quốc tiếp tục giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Trong khi đó, tăng trưởng sản lượng công nghiệp cũng chậm lại ở mức thấp nhất trong 5 tháng và doanh số bán lẻ và giá nhà mới tiếp tục giảm.
Việc cắt giảm lãi suất của Mỹ được đánh giá có thể làm suy yếu đồng USD và hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Giovanni Staunovo tại UBS, phải mất một khoảng thời gian thì việc cắt giảm lãi suất của Mỹ mới hỗ trợ được hoạt động kinh tế và tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ.
Trong diễn biến khác, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,5% vào cuối năm nay, cắt giảm tiếp 1% vào năm 2025 và giảm thêm 0,5% vào năm 2026. Ông Tim Snyder, nhà kinh tế trưởng tại Matador Economics, cho rằng: Quyết định cắt giảm lãi suất của Fed và tác động từ bão Francine là 2 yếu tố duy nhất đang hỗ trợ thị trường, đẩy giá dầu tăng trở lại. Bên cạnh đó là căng thẳng gia tăng ở Trung Đông làm hạn chế đà giảm của giá dầu
Trong nước, giá bán lẻ xăng dầu ngày 22/9 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 19/9 của liên bộ Tài chính – Công Thương.
Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 51 đồng/lít, không cao hơn 18.941 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 127 đồng/lít, không cao hơn 19.762 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 122 đồng/lít, không cao hơn 17.043 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 239 đồng/lít, tối đa 17.551 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 359 đồng/kg, không cao hơn 14.826 đồng/kg.
Việt Anh (t/h)