Chiều nay, 21/06, Liên bộ Tài chính - Công Thương thực hiện điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ.
Tại kỳ điều hành này, nhà điều hành quyết định tiếp tục tăng giá các mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, xăng E5 tăng 190 đồng/lít, lên mức 31.300 đồng/lít; xăng A95 tăng 500 đồng lên 32.870 đồng/lít.
Cùng với xăng, dầu cũng tăng giá. Dầu diesel tăng 990 đồng lên 30.010 đồng/lít; dầu hoả tăng 950 đồng lên 28.780 đồng/lít; dầu mazut tăng 380 đồng/kg lên 20.730 đồng/kg.
Kỳ này Liên bộ tiếp tục không trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu đối với các loại xăng, dầu diesel và dầu hỏa; trích lập quỹ đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước).
Đồng thời chi Quỹ bình ổn đối với dầu diesel ở mức 400 đồng/lít (như kỳ trước) và tăng chi quỹ đối với dầu hỏa ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước chi 300 đồng/lít).
Tính chung từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã có 13 chu kỳ điều hành tăng giá. Hiện giá xăng dầu trong nước đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm.
Để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, vào giữa tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố việc lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình UBTVQH điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022.
Cụ thể, với mặt hàng xăng, giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.
Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Nếu Nghị quyết được ban hành trong tháng 07/2022, Bộ Tài chính đề nghị hiệu lực thi hành của Nghị quyết là từ ngày 01/08/2022.
Hoàng Thăng (t/h)