Cụ thể, giá xăng được điều chỉnh trong phiên ngày 13/3/2021 như sau: Giá xăng E5 RON92 tiếp tục tăng thêm 691 đồng/lít, lên mức 17.722 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 797 đồng, lên mức 18.881 đồng/lít.

Như vậy, tính chung từ đầu năm đến nay, giá xăng E5 RON92 đã tăng hơn 1.500 đồng/lít, giá xăng RON95-III tăng hơn 1.600 đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không chỉ mỗi giá xăng tăng mà ngày cả giá gas cũng tăng mạnh càng đè nặng lên người tiêu dùng. Đơn cử từ ngày 1/3, giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục tăng thêm 5.000 đồng/bình 12 kg. Đây là tháng thứ ba liên tiếp giá gas tăng với tổng mức tăng 50.500 đồng/bình 12 kg. Hiện giá bán lẻ dao động 400.500 - 423.000 đồng/bình 12 kg.

Giá xăng dầu tăng mạnh tác động hai chiều đến nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, giá dầu thô tăng tạo cơ hội cho các công ty kinh doanh xăng dầu hưởng lợi, lãi khủng. Báo cáo mới nhất của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy trong quý IV-2020, đại gia chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường xăng dầu lãi 1.359 tỉ đồng. Con số này cao hơn cả cùng kỳ của năm 2019 chỉ đạt được 1.296 tỉ đồng.

Không riêng Petrolimex, nhiều công ty bán lẻ xăng dầu và dầu khí khác cũng được hưởng lợi lớn từ việc xăng dầu tăng giá mạnh. Bằng chứng rõ nhất là thị giá nhiều mã cổ phiếu của ngành này như PLX, PVT, OIL… đều tăng.

Ở chiều ngược lại, giá xăng, gas tăng khiến nhiều mặt bằng giá cả hàng hóa như: giá rau, thịt, cá, tôm; giá điện, nước, taxi… có thể “té nước theo giá xăng” trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập giảm. Điều này không chỉ người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đều lo lắng.

Bởi giá xăng tăng kéo giá cước vận chuyển tăng, từ đó đẩy giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng theo. Điều này dẫn đến chi phí sản xuất tăng, khó giữ giá thành sản phẩm khiến đầu ra của doanh nghiệp khó khăn. Người tiêu dùng phải chịu giá cao.

Tâm An