Có ý kiến cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn gia nhập là do doanh nghiệp đang đầu tư cầm chừng, nghe ngóng, cái gì “dễ mở dễ đóng” mới làm, chưa có định hướng lớn… Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?
Tôi không tán thành quan điểm này, vì không có doanh nghiệp nào kinh doanh theo kiểu “ngẫu hứng”. Đây không phải là hình thức đầu cơ đất đai hay chứng khoán nên không thể nói vừa kinh doanh vừa nghe ngóng.
Doanh nghiệp trước khi bước vào kinh doanh đã phải mất công, mất sức đi làm đăng ký kinh doanh, ấp ủ kế hoạch kinh doanh của mình nên không bao giờ có việc thích thì làm, không thích thì bỏ.
Điều này, có thể đúng dưới góc độ là các hộ kinh doanh, bản thân các hộ kinh doanh phải tính toán việc suy giảm tăng trưởng, đặc biệt ở các đầu tàu kinh tế lớn như TP. HCM - một phần có phải đến từ khu vực phi chính thức là các hộ kinh doanh hay không?
Ông đánh giá như thế nào về sự tổn thương đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nội địa?
Chưa so sánh với doanh nghiệp các nước, chỉ cần nhìn sang doanh nghiệp FDI, nhận thấy doanh nghiệp trong nước có mức độ tổn thương rất lớn. Sự tổn thương này, bắt nguồn từ đâu? Ở đây có nhiều nguyên nhân, trong đó phải nói đến tính bấp bênh, dễ tổn thương, khả năng chịu đựng các cú sốc của các doanh nghiệp Việt Nam thấp.
Năng lực nội tại, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa kém, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung làm việc tại những khu vực năng suất lao động thấp. Cho nên, khi xảy ra bất ổn của kinh tế thế giới thì ảnh hưởng ngay đến sức khoẻ của doanh nghiệp, từ đó làm cho doanh nghiệp bị đình đốn, dừng sản xuất, thậm chí phải rút lui khỏi thị trường.
Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nói chung mà các doanh nghiệp Việt Nam đang tập trung vào thiếu tính bền vững, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi tính thời vụ, tính thị trường, ngay lĩnh vực xuất nhập khẩu, cũng chủ yếu là những mặt hàng tiêu dùng, thậm chí ở đáy của các chuỗi giá trị. Như vậy, khi kinh tế thế giới suy giảm, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên thế giới “thắt lưng buộc bụng” - sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các giá trị sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.
Vấn đề cầu tiêu dùng, quy mô thị trường của Việt Nam nhỏ bé và rất dễ bị tổn thương. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ, hoặc sản xuất hàng thiết yếu trong nước, cũng ở trong tình trạng tương tự. Tức là tập trung vào những chuỗi sản phẩm mặt hàng dịch vụ mang tính chất thiết yếu nhưng thiếu tính bền vững, phụ thuộc vào khả năng tích luỹ của nền kinh tế nói chung và khả năng chi tiêu của từng hộ gia đình nói riêng.
Tất cả những yếu tố trên dẫn đến khi có xuất hiện bất lợi, thì các doanh nghiệp Việt Nam dễ bị ảnh hưởng và có thể phải dừng hoạt động.
Ông có đề xuất, kiến nghị giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong thời gian tới?
Giải pháp ngắn hạn là các chính sách tài khoá của Nhà nước, tập trung vào cho giãn, hoãn thuế phí cho doanh nghiệp và người dân để kích thích tiêu dùng, phục hồi thị trường trong nước, đồng thời giúp cho doanh nghiệp vượt qua được khó khăn trước mắt.
Về dài hạn, trong các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, Nhà nước phải tính làm sao cho các doanh nghiệp duy trì được sự phát triển bền vững, thích ứng với những biến động, thay đổi, sức chịu đựng của doanh nghiệp tốt hơn, tham gia vào dịch vụ sản phẩm hàng hoá phải có tính chất bền vững, tránh mang tính chất thời vụ, ngắn hạn.
Các doanh nghiệp trong nước phải học hỏi, kết nối, liên kết với doanh nghiệp FDI, bởi doanh nghiệp FDI, nhất là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tới hơn 70% giá trị xuất khẩu.
Chúng ta rà soát các chính sách hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ liên kết, hỗ trợ kết nối của các doanh nghiệp trong nước với thị trường nước ngoài, với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, chuỗi sản xuất ngay tại thị trường Việt Nam; qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, đặc biệt nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhà nước tiếp tục các chính sách miễn, giảm, hoãn các loại thuế, phí; từ đầu năm, Bộ Tài chính đã đưa ra, nhưng đến nay vẫn chưa có một nghị quyết nào liên quan đến vấn đề này. Trong khi đã hết quý I/2023, chỉ còn 2 quý là “hết năm” đối với doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp thường chỉ xem xét đến tháng 9, tháng 10 có triển vọng gì không là “khoá sổ” tài chính.
Đặc biệt, các cơ quqan hữu quan không nên đề xuất tăng thêm thuế, phí đối với doanh nghiệp. Lúc nào cũng lo tăng thêm thuế, phí đối với doanh nghiệp, sẽ triệt tiêu động lực kinh doanh đối với doanh nghiệp, vừa làm khó cho thị trường. Bởi sẽ, nó dẫn đến nguy cơ kế hoạch sản xuất bị tồn kho khi giá đầu ra bị đẩy lên bởi giá đầu vào, khiến người tiêu dùng không mua hàng của doanh nghiệp, hoặc chuyển sang mua hàng hoá thay thế, kể cả hàng nhập lậu, hàng kém phẩm chất.
Như vậy, lại càng nguy hại cho nền kinh tế. Giảm thuế - phí là giải pháp khả thi, bởi chính sách tài khoá vẫn còn dư địa, vì có tăng thu ngân sách trong năm 2022 và đầu năm nay.
Trân trọng cảm ơn ông!
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: "Việc hơn 51.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong những tháng đầu năm, buộc chúng ta phải phân tích xem còn có những nguyên nhân khác nữa hay không, để tìm cách xử lý. Ví dụ, do các gói hỗ trợ kinh tế còn chưa đến được với tất cả các doanh nghiệp gặp khó khăn; hay như lãi suất đang quá cao, cũng là một vấn đề lớn khiến nhiều doanh nghiệp giải thể. Giải pháp giúp doanh nghiệp trong nước hoạt động tốt, để số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường tăng lên và số lượng doanh nghiệp thất bại giảm, thì cần phải có thêm các gói hỗ trợ bổ sung; ngoài ra, cần phải sớm có chính sách điều chỉnh lãi suất giảm xuống đến một mức nào đó mà doanh nghiệp có thể chịu đựng được và phải kèm theo một chương trình hỗ trợ".
|
Việt Anh (Thực hiện)