Thực trạng, sau khi sử dụng dịch vụ hoặc mua hàng, người tiêu dùng nhiều trường hợp không nhận được hóa đơn điện tử, hóa đơn GTGT. Hành động lấy hóa đơn khi mua hàng, người tiêu dùng thông minh không chỉ giúp cơ quan thuế kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp mà còn chứng minh nguồn gốc hàng hóa, bảo vệ chính quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo thông tin giải đáp từ Cục Thuế Hải Phòng, tại khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 của Quốc hội đã ban hành ngày 13 tháng 6 năm 2019 và khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ: Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định; đúng định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế; không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Như vậy, khi cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ, mua hàng hóa thì người bán phải lập và cung cấp hóa đơn điện tử chỉ trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.
Trong trường hợp người mua yêu cầu mà người bán không xuất hóa đơn, thì người mua có thể phản ánh với cơ quan thuế thông qua số điện thoại đường dây nóng hoặc qua thư điện tử để được hỗ trợ kịp thời.
Căn cứ khoản 5 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ ban hành quy định về mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định. Riêng hành vi không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất) thì phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 17 Nghị định 125/2020 NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi trốn thuế, hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế thì người bán có rủi ro bị Cơ quan Thuế kết luận là hành vi trốn thuế. Khi đó ngoài việc bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế thì người nộp thuế còn bị bắt buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Như vậy, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán nếu không lập hóa đơn và giao hóa đơn cho người mua thì bị coi là vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn và sẽ bị xử phạt về hành vi trốn thuế.
Quỳnh Nga