Theo đó, uớc giải ngân kế hoạch vốn 5 tháng đầu năm 2021 mới đạt trên 102.029 tỷ đồng, bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (25,98%).
Ngoài một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, trên 25% kế hoạch như: Thái Bình (73,74%), Hưng Yên (47,22%); Kiểm toán Nhà nước (46,89%); Nam Định (45,17%); Thanh Hóa (44,39%); Hà Nam (41,46%) thì hầu hết các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15% như: Bắc Kạn mới đạt gần 7%; Cần Thơ mới đạt gần 9%... Đáng chú ý còn 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, nguồn vốn ODA giải ngân rất thấp, mới đạt gần 3%. Bộ Tài chính đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho thấy tỷ lệ còn thấp là do dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa đã khiến tiến độ thi công nhiều dự án bị đình trệ. Do đó không có khối lượng nghiệm thu để làm thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước dẫn đến việc giải ngân kế hoạch vốn bị ảnh hưởng. Hơn nữa, thời gian này, giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng tăng giá cao đã làm ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu.
Tỷ lệ giải ngân vốn ODA rất thấp có nguyên nhân là sự phản hồi của nhà tài trợ ODA khi được xin ý kiến rất chậm, đặc biệt là song phương. Ngoài ra, dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ cấu vốn do không được phép sử dụng vốn vay nước ngoài để thanh toán thuế đối với các dự án đã ký hiệp định vay nước ngoài, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư mất nhiều thời gian.
Đặc biệt, Bộ Tài chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ theo biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công, đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Bảo Lâm