Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, để đảm bảo cung cấp đủ nguồn thịt lợn cho người dân, vai trò của doanh nghiệp giết mổ và cung ứng thịt mát, thịt cấp đông theo chuỗi hết sức quan trọng. Vì vậy, các địa phương cần có cơ chế tài chính linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức thu mua lợn sạch tại các địa bàn chưa có bệnh dịch, sau đó tổ chức giết mổ, trữ đông.

Về phía doanh nghiệp, theo kiến nghị của ông Phan Chính Minh, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (Khu công nghiệp Hà Bình Phương, huyện Thường Tín): Nhà máy giết mổ công nghiệp của công ty sẵn sàng tham gia việc thu mua lợn sạch để trữ đông nhằm bình ổn thị trường dịp cuối năm. Tuy nhiên, việc thu mua, trữ đông... cần được các bộ, ngành, đơn vị có cơ chế hỗ trợ tài chính thỏa đáng vì nếu trữ đông sẽ “đội” chi phí rất nhiều…

Về phía người chăn nuôi tại những vùng chưa có bệnh dịch, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị cần áp dụng nghiêm ngặt quy trình phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi; không nên quá lo lắng bán tháo lợn để “chạy dịch” - việc này vừa gây thiệt hại cho chủ nuôi, vừa bị tư thương ép giá; đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối cung - cầu thịt lợn trong các tháng cuối năm…

Còn về lâu dài, Bộ NN&PTNT khuyến nghị người dân có thể bù đắp lượng thiếu hụt thịt lợn bằng gia cầm và các loại gia súc khác.

Theo số liệu thống kế của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện Hà Nội đã phải tiêu hủy khoảng 200.000 con lợn, chiếm hơn 10% tổng đàn lợn trên địa bàn thành phố do mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Việc khan hiếm nguồn cung thịt lợn cuối năm rất có thể xảy ra, bởi thời điểm này, ngành Nông nghiệp Hà Nội vẫn khuyến cáo, chỉ đạo các địa phương có bệnh Dịch tả lợn châu Phi tuyệt đối không tái đàn nếu chưa bảo đảm an toàn trong chăn nuôi...

Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, Hơn 3 tháng qua, kể từ ngày phát hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi đầu tiên đến nay, bệnh đã lây lan tới 40 tỉnh, thành phố với hơn 1,7 triệu con lợn bị tiêu hủy và con số lợn bị tiêu hủy gia tăng từng ngày khi bệnh này vẫn chưa được khống chế.

Hằng Vương (t/h)