Bộ Công Thương cho biết, thị trường XK gỗ và lâm sản chủ yếu của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với tổng giá trị XK 7 tỷ USD, chiếm 89,5% giá trị XK lâm sản của Việt Nam.

Cùng với XK, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nhập khẩu (NK) các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc tăng nhanh và giá NK khai báo của các mặt hàng này rất thấp, thậm chí thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất tại Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2020, trong khi hầu hết các mặt hàng NK có giá trị kim ngạch giảm, mặt hàng đồ gỗ có giá trị NK tăng gần 170% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 83% kim ngạch NK mặt hàng này là từ Trung Quốc.

Cần có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu gỗ trong nướcCần có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu gỗ trong nước

Tuy nhiên, theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), tính đến nay, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý 176 vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa XK của Việt Nam. Sản phẩm XK bị điều tra rất đa dạng, riêng mặt hàng gỗ bị điều tra 7 vụ, chiếm tỷ lệ 4%. Đáng lưu ý, mức độ điều tra các sản phẩm gỗ đang có xu hướng tăng.

Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM cho hay, trong bối cảnh thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, các DN XK của Việt Nam không thể lơ là trong vấn đề thực thi PVTM. Thực thi nhiều FTA, việc gia tăng các biện pháp PVTM tại nhiều nước, khu vực thị trường XK là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt là các biện pháp PVTM gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Để ngăn chặn gian lận thương mại, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp. Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Nghị định 102 sẽ hoàn thiện quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam quy định đầy đủ trách nhiệm của DN, các ngành chức năng trong việc đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp, giúp sản phẩm gỗ đáp ứng đầy đủ các điều kiện của thị trường khó tính như EU. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10/2020.

Ông Điển cho hay: “Thị trường châu Âu rất coi trọng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tính minh bạch và thân thiện môi trường của sản phẩm. Thực thi Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam - EU về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đòi hỏi Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp”.

Ngoài ra, Bộ Công Thương lưu ý, ngành gỗ cần có những giải pháp dài hạn nhằm ứng phó với dịch và phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, khuyến nghị các DN XK gỗ ván dán của Việt Nam tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của Hoa Kỳ. Đặc biệt, cần chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu đảm bảo đáp ứng yêu cầu về thông tin, chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, đồng thời cần hợp tác với cơ quan liên quan tại nước NK trong các vụ việc điều tra.

Minh Đức