Bộ Công thương công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tăng 8,36% từ ngày 20/3. Giá điện mới được áp dụng từ ngày này là 1.864,44 đồng/kW giờ thay cho giá điện cũ 1.720,65 đồng/kW giờ. Theo đánh giá của các chuyên gia, thời điểm tăng ngay trong quý I sẽ tác động lớn đến mặt bằng giá cũng như lạm phát cả năm vì điện là đầu vào của tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Việc tăng giá điện sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội
Bộ Công thương đã phối hợp Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện đánh giá tác động của các phương án điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Cụ thể, phương án điều chỉnh giá điện tăng 8,36% sẽ làm tăng CPI trong khoảng từ 0,26 đến 0,31%, làm tăng PPI trong khoảng từ 0,15 đến 0,19%, làm giảm GDP trong khoảng từ 0,22 đến 0,25%. Với giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3, theo tính toán của Tổng cục Thống kê thì CPI năm 2019 tăng trong khoảng 3,3 đến 3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn bảo đảm mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.
Tuy nhiên, việc tăng giá điện chắc chắn sẽ tác động lớn đến mọi mặt đời sống xã hội và nhất là tới hoạt động sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân. Đại diện Công ty CP Xây lắp và Cơ khí Phương Nam cho biết: Đối với những doanh nghiệp cơ khí, nhu cầu tiêu thụ lượng điện rất lớn, việc tăng giá điện sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng theo, ít nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trước mắt, khi giá điện tăng, công ty sẽ tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện như tính toán lại hệ thống chiếu sáng, tận dụng ánh sáng cũng như thông gió tự nhiên; thay thế các máy móc công nghệ cũ không tiết kiệm điện...
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường chia sẻ: Các doanh nghiệp dệt may đã có sự chủ động thích ứng với việc điều chỉnh giá điện bằng việc triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiết giảm chi phí. Trong các giải pháp giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có thể thực hiện nhanh, thiết thực nhất. Đơn cử, chiếu sáng là hệ thống quan trọng và tiêu thụ điện nhiều nhất đối với các công ty may. Do đó, sử dụng các loại đèn hiệu suất cao, tiết kiệm điện là giải pháp mang lại hiệu quả trông thấy... Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn mong việc tăng giá điện và mức độ tăng cần được cân nhắc thật kỹ để không tăng thêm gánh nặng chi phí quá lớn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khuyến nghị: Để giảm bớt tác động tiêu cực cũng như khả năng phá vỡ mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm từ việc tăng giá điện, việc điều hành các loại giá dịch vụ khác do Nhà nước quản lý như giáo dục, y tế... sẽ phải thận trọng hơn rất nhiều. Ngoài ra, tác động đến lạm phát ngoài chính sách về giá, còn hai chính sách quan trọng nữa là tiền tệ và tài khóa. Trong năm 2019, căn cứ vào biến số giá điện cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát bình quân dưới 4%, cần tập trung nhiều hơn vào việc điều hành chính sách tiền tệ, nhất là việc điều chỉnh lãi suất và tín dụng. Mặt khác, cần giữ nghiêm kỷ luật tài khóa cũng như mức thâm hụt ngân sách, phối hợp tốt với chính sách tiền tệ để kiểm soát tốt mục tiêu lạm phát đã đề ra. Nếu thực hiện tốt các giải pháp, dù giá điện tăng, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra cho năm 2019.
“Về trung hạn, việc tăng giá điện sẽ tác động giúp bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế cũng như việc sử dụng tiết kiệm năng lượng. Do đó, việc tăng giá điện sẽ không gây tác động quá lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, hộ tiêu dùng nếu họ biết chủ động chuyển sang sử dụng các công nghệ tiết kiệm điện. Khi đó, chắc chắn mức tăng chi phí sản xuất sẽ không tương ứng với mức tăng giá điện 8,36% như hiện nay”, ông Ánh nói.
Để giảm tác động của việc tăng giá điện, nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách, Bộ Công thương tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kW giờ/hộ/tháng; hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kW giờ/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kW giờ/hộ/tháng. Trên cơ sở mức giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh được phê duyệt, Bộ Công thương sẽ có những điều chỉnh cụ thể đối với từng nhóm khách hàng theo thẩm quyền theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg.
Hoan Nguyễn