Giảng viên hướng dẫn sinh viên nghiên cứu nội dung lý thuyết.
Giảng viên hướng dẫn sinh viên nghiên cứu nội dung lý thuyết.

Ngày 01/09/2015 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1508/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Điện lực giai đoạn 2015 – 2017; ngày 24/09/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký Quyết định số 10268/QĐ-BCT về việc chuyển Trường Đại học Điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam về trực thuộc Bộ Công Thương.

Thực hiện Công văn số 2361/BGDĐT-GDQPAN ngày 07/6/2018 của Bộ Giáo dục và đào tạo về việc tổ chức giảng dạy môn học GDQP-AN. Trường Đại học Điện lực chính thức được tự chủ giảng dạy môn học GDQPAN. Sau 5 năm tổ chức thực hiện, ngày 16/09/2022 Bộ Giáo dục và Đào tạo “Đồng ý để Trường Đại học Điện lực tiếp tục là đơn vị chủ quản, tiến hành tổ chức giảng dạy, đánh giá kết quả học tập môn GDQPAN và cấp chứng chỉ cho sinh viên của nhà trường” theo Công văn số 4552/BGDĐT-GDQPAN. Bô môn GDTC&QPAN là đơn vị trực thuộc Trường, được giao nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy, quản lý, ăn ở, sinh hoạt tập trung cho sinh viên theo nếp sống quân đội và môi trường quân sự.

Chương trình GDQPAN được thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT ngày 18/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và bảo đảm các điều kiện, tiêu chí phù hợp với Thông tư liên tịch số 18/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH ngày 08/09/2015 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy định tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn GDQPAN trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học.

Trước những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, Trường Đại học Điện lực luôn đặt mục tiêu giáo dục cho người học phát triển toàn diện. Môn học GDQPAN cho sinh viên sinh viên luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm coi đây là lực lượng đông đảo có trình độ học vấn, tiềm năng sáng tạo và khả năng tiếp cận làm chủ khoa học kĩ thuật hiện đại, là chủ nhân tương lai của đất nước, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an bảo vệ Tổ quốc.

Giảng viên lên lớp hướng dẫn nội dung thực hành.
Giảng viên lên lớp hướng dẫn nội dung thực hành..

Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp, khó dự báo của tình hình thế giới, khu vực; các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá bằng âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, hòng tạo cớ can thiệp từ bên ngoài; những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp,... đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên Nhà trường- những chủ nhân tương lai, những nhà khoa học của đất nước nói riêng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này, Trường Đại học Điện lực xác định, phải tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên bảo đảm số lượng, chất lượng, đạt chuẩn hóa đó là yếu tố quyết định chất lượng giảng dạy môn học GDQPAN cả trước mắt và lâu dài. Trên cơ sở Luật giáo dục quốc phòng và an ninh, Nhà trường đã chủ động xây dựng, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên. Hiện nay, giảng viên GDQPAN Trường Đại học Điện lực có 10 giảng viên cơ hữu tại trường. Trình độ học vấn của các giảng viên là cử nhân và đang tiếp tục chương trình đào tạo sau đại học.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, được tuyển chọn, kiểm soát chất lượng đầu vào và được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên. Cùng với đó, Nhà trường chủ động xây dựng, ban hành các cơ chế, đãi ngộ phù hợp để đội ngũ cán bộ, giảng viên yên tâm, gắn bó với công việc. Đồng thời, hằng năm cử cán bộ, giảng viên tham gia các lớp tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó tập huấn cho số cán bộ, giảng viên còn lại. Nhà trường khuyến khích đội ngũ cán bộ, giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, nhất là các đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Sinh viên tham gia Hội thao GDQPAN nội dung Duyệt Điều lệnh đội ngũ.
Sinh viên tham gia Hội thao GDQPAN nội dung Duyệt Điều lệnh đội ngũ..

Hai là, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng tích cực, là môn học đặc thù nên có lý thuyết và có thực hành, vừa giáo dục chính trị tư tưởng, vừa rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý chí, tinh thần kỷ luật và huấn luyện kỹ thuật quân sự. Vì vậy, sinh viên sau khi tiếp cận với kiến thức đòi hỏi phải biết vận dụng những kiến thức đó vào thực tế. Việc dạy học theo định hướng phát triển toàn diện năng lực thực hiện không chỉ chú ý đến việc tích cực hoá người học về mặt trí tuệ mà còn chú ý rèn luyện cho họ những năng lực giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn, những tình huống nghề nghiệp. Tổ chức các hoạt động giảng dạy luôn luôn đổi mới, phong phú, đa dạng tạo kích thích hứng thú cho sinh viên.

Đồng thời, yêu cầu đội ngũ giảng viên biên soạn giáo án điện tử, các bài giảng đều được minh họa bằng âm thanh, hình ảnh, phim tư liệu về các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, hoạt động quốc phòng, an ninh của các địa phương,… nhằm thu hút, lôi cuốn học sinh, sinh viên. Bộ môn GDTC&QPAN tổ chức thông qua bài giảng, giảng thử, kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung kiến thức, điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp. Quá trình lên lớp, giảng viên chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phương tiện dạy học hiện đại; khắc phục dứt điểm việc truyền thụ một chiều, tăng cường gợi ý, hướng dẫn, trao đổi, thảo luận. Giảng viên giữ vai trò định hướng, tổng hợp, giải đáp những vướng mắc, phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu của học sinh, sinh viên.

Để rèn luyện kỹ năng quân sự, Bộ môn GDTC&QPAN chú trọng huấn luyện thực hành, duy trì huấn luyện theo quy trình 03 bước (làm nhanh, làm chậm có phân tích, làm tổng hợp) để học sinh, sinh viên nắm được yếu lĩnh, động tác cơ bản, làm cơ sở cho việc luyện tập, phối hợp hiệp đồng trong tiểu đội, trung đội, đại đội, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện.

Giảng viên kiểm tra bắn súng tiểu liên AK trên hệ thống Máy bắn tập MBT-03SH.
Giảng viên kiểm tra bắn súng tiểu liên AK trên hệ thống Máy bắn tập MBT-03SH..

Ba là, tăng cường công tác quản lý, rèn luyện sinh viên, gắn học đi đôi với rèn. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa sau giờ học tập. Đây là nội dung thiết thực, tạo môi trường quân sự để sinh viên rèn luyện, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh của Bộ môn. Theo đó, khi sinh viên đến học tập trung, Bộ môn GDTC&QPAN phối hợp với Trung tâm dịch vụ cơ sở 2 bố trí, sắp xếp biên chế thành các tiểu đội, trung đội, đại đội; trong đó, cán bộ đại đội do giảng viên GDQPAN đảm nhiệm; cán bộ trung đội trưởng, tiểu đội trưởng được lựa chọn từ những sinh viên có năng lực quản lý, chỉ huy kiêm nhiệm.

Bộ môn thực hiện quản lý theo phân cấp, duy trì nghiêm chế độ Trực chỉ huy, trực ban, các chế độ trong ngày, trong tuần, đưa hoạt động của sinh viên gần giống như môi trường quân sự. Đội ngũ cán bộ quản lý thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, tình cảm, sức khỏe của sinh viên để có biện pháp quản lý, động viên và tổ chức huấn luyện phù hợp.Bên cạnh đó, trong quá trình diễn ra đợt học, Bộ môn GDTC&QPAN phối hợp với Trung tâm dịch vụ cơ sở 2 tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên như: Hội thao GDQPAN, Hội thi cắm trại, Hội chợ ẩm thực, trò chơi dân gian, giải thể thao sinh viên….

Các hoạt động đều gắn với chủ đề mỗi đợt học, đã làm sinh động thêm công tác dạy và học của Bộ môn. Qua những hoạt động đó, nhằm mục đích tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho sinh viên, rèn luyện cho sinh viên có tính kỉ luật cao, có sức khỏe tốt, đoàn kết và bản lĩnh vững vàng. Đồng thời nhằm kiểm tra, đánh giá công tác giáo dục, huấn luyện nội dung GDQPAN tại đơn vị.

Bốn là, chú trọng bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy - học. Những năm qua, Nhà trường đã đầu tư mua sắm nhiều vật chất, trang thiết bị dạy học môn GDQPAN. Đồng thời nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng tham mưu nên đã bảo đảm tương đối đồng bộ vũ khí, trang bị, mô hình, đồ dùng huấn luyện, phòng học chuyên dùng, trang phục,… phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập. Nhà trường còn đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động bãi tập chiến thuật phục vụ công tác day – học của giảng viên, sinh viên.

Dự báo những năm tới, lưu lượng sinh viên tiếp tục tăng, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Nhà trường tăng cường đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất hiện có, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại phục vụ dạy và học. Góp phần hun đúc lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm thế hệ trẻ của Nhà trường trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trang Nguyễn