Thị trường ô tô Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng mạnh, xu hướng ô tô hóa bắt đầu diễn ra và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới do nền kinh tế nước ta có tốc độ tăng trưởng khá cao so với các nước trong khu vực. 

Có nhiều ý kiến trái chiều nhau xung quanh quy định Giấy chứng nhận kiểu loại xe; kiểm định xe nhập khẩu theo lô, quy định đường thử dài 800 mét đối với các doanh nghiệp liên doanh sản xuất, lắp ráp xe hơi được các bên tranh cãi. 

Giải pháp tích cực gỡ vướng cho doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Đại diện nhóm liên doanh, doanh nghiệp nhập khẩu nói quy định trên gây khó dễ và cản trở họ hoạt động tại Việt Nam. 

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước cho rằng, đây là các biện pháp bảo vệ thị trường, hướng đến yêu cầu các doanh nghiệp làm ăn lâu dài, nội địa hóa và kiểm soát chất lượng xe nhập về Việt Nam. 

Các biện pháp "nóng" được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ra cho các bộ, ngành trong thời gian tới là phải kiểm soát nhập khẩu ô tô trong nội khối ASEAN theo Hiệp định Thương mại và hàng hóa ASEAN (ATIGA), đảm bảo đáp ứng nghiêm các điều kiện được hưởng thuế suất bằng 0%. 

Các cấp, ngành tiếp thu ý kiến của các các tổ chức, cá nhân liên quan để nghiên cứu, giải trình, nếu cần thiết thì kiến nghị để hoàn thiện Nghị định 116 và Thông tư 03. 

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về Báo cáo kết quả của đoàn công tác liên ngành hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Việt Nam. 

Theo văn bản này, Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 116. 

Cần khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn khoản 1 Điều 6 của Nghị định 116 quy định về quản lý chất lượng ô tô sản xuất lắp ráp, đảm bảo ban hành trong tháng 10/2018 để các doanh nghiệp có đủ thời gian thực hiện sản xuất ô tô theo quy định mới. 

Nội dung quy định phải phù hợp với thực tiễn, đơn giản hóa các điều kiện cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển. 

Theo yêu cầu của Chính phủ 3 bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông Vận tải cần có trách nhiệm giải thích hướng dẫn cụ thể hoá các nội dung của Nghị định 116 và thông tư 03; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hiểu và thực hiện theo đúng quy định hiện hành. 

Chính phủ lưu ý, các nội dung quy định phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đơn giản hoá các điều kiện cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển. 

Bộ Công Thương cần tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ và tỷ lệ nội địa hóa của ô tô trong nội khối ASEAN khi nhập khẩu vào Việt Nam để được hưởng ưu đãi về thuế theo cam kết. 

Tiếp đến là cần xem xét, hướng dẫn, xử lý từng trường hợp cụ thể đối với vấn đề về đường thử theo chỉ đạo tại Thông báo số 80/TB-VPCP ngày 9/6/2018 của Văn phòng Chính phủ. 

Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và bộ Tài chính duy trì đoàn công tác liên ngành đến làm việc với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô để nắm bắt, hướng dẫn doanh nghiệp, xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền. 

Trong trường hợp nếu các vướng mắc vượt quá thẩm quyền, các Bộ phải kịp thời đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Về phía các nhà sản xuất lắp ráp ô tô, Phó Thủ tướng yêu cầu phải quan tâm hơn nữa tới phát triển công nghiệp hỗ trợ, tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực ô tô, tạo ra ô tô thương hiệu Việt Nam./.

Bảo Ngọc T/h