THCL Theo Tờ trình của Bộ Tài chính, 2 phương án giảm thuế TNDN đã được đề xuất nhằm đưa ra xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 (dự kiến vào tháng 10/2016): Phương án 1, áp dụng thuế suất 17% từ ngày 1/1/2016 đến hết năm 2020 cho DNNVV; phương án 2, áp dụng thuế 15%...

Thuế suất giảm mạnh 40%

Nếu so sánh với mức thuế TNDN hiện hành là 20%, thuế suất thuế TNDN tới đây sẽ giảm khá mạnh. Theo Bộ Tài chính, 2 phương án này sẽ làm giảm thu NSNN, giai đoạn 2016 - 2020. Nhưng, nguồn thu ngân sách sẽ được bù đắp tăng thu từ các loại thuế gián thu và thuế thu nhập cá nhân. Bởi, số tiền thuế giảm sẽ được sử dụng vào tiêu dùng và đầu tư. Đồng thời, việc giảm thuế sẽ góp phần tăng thu từ thuế TNDN vào giai đoạn tiếp theo do DN có điều kiện để tái đầu tư, phát triển SXKD.

Bộ Tài chính cũng đã đề xuất phương án áp thuế suất TNDN 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với DN có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi hoặc tại các khu vực kém phát triển, nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Bộ đề xuất xóa tiền chậm nộp đối với trường hợp do nguyên nhân bất khả kháng, không có tiền để nộp thuế; tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các DN đã giải thể, phá sản, cá nhân kinh doanh đã chết, mất tích... nhưng phải bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, không phân biệt đối xử.

Trước thông tin về việc thuế suất thuế TNDN sẽ giảm mạnh, ông Nguyễn Đình Thi, Giám đốc DN chuyên về dịch vụ làm sạch và vệ sinh môi trường bày tỏ: “Đây là tin vui với cộng đồng DN. Khi thuế giảm xuống, DN được khuyến khích nhiều để tăng cường mở rộng đầu tư. Nếu chính sách này được Quốc hội phê chuẩn, thuế suất thuế TNDN sẽ giảm khoảng 40% so với mức hiện hành. Về ngắn hạn, NSNN có thể bị ảnh hưởng, nhưng về lâu dài, tôi tin rằng số thuế thu được vào ngân sách sẽ tăng”.

Bà Phạm Ngọc Lan, Phó giám đốc một DN hoạt động trong lĩnh vực XNK khoáng sản tại quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: Thuế suất giảm sẽ khiến DN giảm bớt những áp lực về tài chính và có thêm nguồn tiền để mở rộng SXKD, trang trải các chi phí khác. Với những DNNVV như DN chúng tôi, tạo thêm nguồn vốn để duy trì SXKD, XNK, chăm lo đời sống cho người lao động.

Giảm thuế đi kèm cải cách

Đó là nhận định của các chuyên gia trước đề xuất giảm mạnh thuế suất thuế TNDN của Bộ Tài chính.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, DNNVV luôn là mục tiêu trọng tâm của các chính sách phát triển kinh tế. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cho DN nhỏ, trong đó tập trung vào các chính sách như tín dụng ưu đãi, miễn giảm thuế, hỗ trợ đổi mới khoa học. Khi nền kinh tế càng phát triển thì tỷ lệ huy động thuế/GDP càng giảm xuống.

Trước đây, có thời điểm thuế TNDN lên đến 32%, sau đó giảm còn 28%, hiện nay là 20%... Đây là động lực rất lớn để các DN, nhất là các DNNVV phát triển SXKD. Tới đây, cơ quan thuế cần nghiên cứu, bổ sung, xây dựng chế độ chính sách thuế mới theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Bên cạnh đó, cần cải cách hệ thống quản lý thuế, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin và bồi dưỡng năng lực cho cán bộ, công chức thuế để có thể đáp ứng nhu cầu quản lý và hỗ trợ cho cộng đồng DN.

Bởi theo kết quả nghiên cứu mới nhất của NH Thế giới, tổng các khoản đóng góp về thuế và bảo hiểm bắt buộc/lợi nhuận ròng của DN Việt Nam năm 2014 là 35,2%. Trong đó, thuế chiếm 11,5%, bảo hiểm bắt buộc 23,7%. So với mức bình quân của ASEAN 6 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei) là 31%, tỷ lệ này tại Việt Nam cao hơn 4,5%.

Tuy nhiên, tỷ suất thuế của Việt Nam thấp hơn nhiều so với ASEAN 6 là 11,5%. Những số liệu trên cho thấy, tỷ suất thuế/lợi nhuận ròng của Việt Nam ở mức thấp so với khu vực và thế giới. Trên thực tế, thời gian qua, cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn. Giảm thuế sẽ tạo ra cơ hội khuyến khích DN tham gia hoạt động SXKD. Về ngắn hạn, NSNN có thể sẽ sụt giảm nguồn thu. Song chính sách giảm thuế về lâu dài sẽ giúp DN thuận lợi hơi khi hoạt động SXKD. Quan trọng là, mức thuế suất thấp sẽ hạn chế tâm lý lách thuế, trốn thuế dẫn đến tình trạng thất thu NSNN.

Cao Huyền