Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty chia sẻ về vai trò, tiềm năng của kinh tế tư nhân, cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ để kinh tế tư nhân phát triển nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân và giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo ông Shantanu Chakraborty, nếu xét cả đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 2 nguồn này không chỉ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm.
Vì vậy, theo Giám đốc ADB tại Việt Nam, việc hỗ trợ khu vực tư nhân là cần thiết, thông qua các biện pháp, như nới lỏng quy định hành chính, giảm bớt thủ tục quan liêu và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là những yếu tố then chốt.
Trong tương lai, việc cải thiện năng suất lao động cũng sẽ là một yếu tố quan trọng. Điều này đòi hỏi phải tập trung vào giáo dục và đào tạo lao động, giúp nâng cao năng lực của lực lượng lao động Việt Nam. Nhờ đó, người lao động sẽ có thể tìm được những công việc tốt hơn, mang lại lợi ích cho chính họ và cả nền kinh tế.
Theo ông Shantanu Chakraborty, để nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế Việt Nam, bên cạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam cần giảm chi phí kinh doanh và đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng cũng như nguốn vốn dài hạn cho khu vực tư nhân.

Bên cạnh phát triển thị trường vốn, Việt Nam cũng cần chú trọng tới thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu, cũng như tiếp tục mở rộng thị trường cổ phiếu.
Giám đốc ADB cũng khuyến nghị các biện pháp, như đơn giản hóa quá trình thu hồi đất; đẩy nhanh việc phát triển các khu chế xuất và khu công nghiệp ở Việt Nam; đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng và logistics đạt đẳng cấp thế giới, để việc vận chuyển hàng hóa và dịch vụ trở nên dễ dàng hơn... từ đó nâng cao môi trường kinh doanh.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vì hiện rất nhiều hoạt động kinh tế của Việt Nam đến từ khu vực doanh nghiệp này.
"Đây là một số định hướng lớn mà tôi nghĩ Chính phủ cần tập trung để đảm bảo duy trì sự quan tâm và tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân – vốn chắc chắn sẽ tiếp tục là một phần rất quan trọng trong nền kinh tế trong thời gian tới", ông Shantanu Chakraborty bày tỏ.
PV/chinhphu.vn