Hiện nay, nhiều DN lợi dụng mạng Internet, sàn TMĐT để kinh doanh GLTM, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi NTD. Vậy Tổng cục QLTT có hướng xử lý như thế nào?
Việc kiểm soát đăng ký buôn bán sản phẩm trên mạng xã hội, trang TMĐT không thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng QLTT. Tuy nhiên, đối với việc kinh doanh các sản phẩm này, dù kinh doanh theo phương thức truyền thống hay qua TMĐT thì vẫn phải trải qua khâu sản xuất, lưu thông trên thị trường. Do đó, lực lượng QLTT và các lực lượng chức năng khác (công an, hải quan, biên phòng...) đều có trách nhiệm trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với GLTM theo thẩm quyền, phân công, địa bàn quản lý.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởngTổng cục Quản lý thị trường
Nếu là hàng cấm thì người mua có bị điều tra, xử phạt hay không và trách nhiệm của chủ sở hữu sàn TMĐT ra sao trong vấn đề này?
Đối với người bán, người mua, người vận chuyển hàng cấm, tùy trường hợp cụ thể đều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển điều tra, xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Riêng đối với các chủ sở hữu sàn TMĐT hay cung cấp ứng dụng dịch vụ TMĐT, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại NĐ số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động TM, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi NTD, đã được sửa đổi, bổ sung theo NĐ số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ. Trong đó, gồm những hành vi: Không có biện pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi website TMĐT hoặc ứng dụng di động những thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật và hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định; không có biện pháp xử lý khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ TMĐT hoặc ứng dụng dịch vụ TMĐT.
Những khó khăn mà Tổng cục QLTT gặp phải trong công tác quản lý, xử lý vi phạm pháp luật lĩnh vực GLTM trên mạng Internet?
Từ đầu năm, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc trong công tác đấu tranh chống GLTM. Tuy nhiên, việc chủ động phát hiện vi phạm trên mạng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng; trong khi người mua hàng rất khó phát hiện. Cùng với đó, các chủ thể kinh doanh hàng hóa vi phạm thường có quy mô nhỏ lẻ, việc phát hiện, tịch thu hàng hóa vi phạm hay áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả rất khó thực hiện.
Không những thế, nhiều giao dịch được thực hiện bằng hình thức chuyển hàng và thanh toán trực tiếp khiến rất khó kiểm tra, kiểm soát. Chẳng hạn như những giao dịch được thực hiện chủ yếu qua điện thoại, tin nhắn, môi trường mạng Internet và giao nhận hàng hóa bằng xe gắn máy rất cơ động, với số lượng ít rất khó phát hiện hoặc khi đã xác định được đối tượng vi phạm và tiến hành kiểm tra để xử lý, thì đối tượng cho rằng các trang TMĐT, các trang mạng xã hội như FaceBook, Zalo, Instagram hay tài khoản trên các sàn TMĐT không phải do các đối tượng này thiết lập để kinh doanh, mà là do có đối tượng khác đã giả mạo để giới thiệu, kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Đặc biệt, các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng để trinh sát, kiểm tra, xử lý các vi phạm trên môi trường trực tuyến còn hạn chế.
Xin ông cho biết, kế hoạch triển khai sắp tới của Tổng cục QLTT liên quan đến chống GLTM?
Quốc hội Khóa 14 đã thông qua Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019), công tác quản lý hoạt động việc sử dụng CNTT, không gian mạng, trong đó có hoạt động TMĐT.
Lực lượng QLTT có nhiệm vụ trao đổi, chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật đối với việc thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT. Đồng thời, lực lượng QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vụ việc vi phạm GLTM trên mạng xã hội, ứng dụng TMĐT, bảo vệ quyền lợi NTD.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trang Nguyễn - Đinh Hiền (Thực hiện)