Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: internet)

Điều đáng chú ý chính là thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp, đặc biệt là phiên 25/4 ghi nhận mức thấp nhất kể từ đầu năm với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chưa tới 15.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chính, bên cạnh tâm lý thận trọng hơn sau những pha biến động mạnh của thị trường, kỳ nghỉ lễ dài ngày đang cận kề cũng khiến lượng lớn dòng tiền đứng ngoài.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng cuối tuần ngày 26/4, sắc đỏ tiếp tục chiếm ưu thế trên bảng điện tử sau phiên rung lắc và điều chỉnh hôm qua, đã khiến VN-Index tiếp đà giảm điểm.

Tuy nhiên, ngay khi VN-Index thủng mốc 1.200 điểm, lực cầu đã được kích hoạt giúp thị trường bật hồi. Sau khoảng 30 phút giằng co nhẹ, thị trường đã lấy lại sắc xanh nhờ sự đóng góp tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là cặp đôi lớn VCB và VIC đã đóng góp hơn 3 điểm cho chỉ số chung.

Nhờ sự dẫn dắt của cặp đôi lớn ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản đang giữ mức tăng nhẹ, trong khi nhóm cổ phiếu chứng khoán chưa tìm được “tiếng nói chung” khi phần lớn đều giao dịch dưới mốc tham chiếu dù biên độ giảm không quá lớn.

Điểm sáng chính là nhóm cổ phiếu vận tải biển, với TCO sớm khoe sắc tím, STG và GMD đang tăng gần 6%, QNP tăng 5,2%, VSC tăng 2,5%...

Áp lực bán gia tăng khiến nhiều mã lớn bé đảo chiều giảm, trong đó nhóm VN30 chuyển qua trạng thái phân hóa nhẹ, đã khiến VN-Index thu hẹp biên độ tăng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 188 mã tăng và 222 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 3,64 điểm (+0,3%) lên 1.208,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 298,93 triệu đơn vị, giá trị 7.703,59 tỷ đồng, tăng 21,71% về khối lượng và 18,84% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 10,74 triệu đơn vị, giá trị 582,71 tỷ đồng.

Nhóm VN30 khá cân bằng với 14 mã tăng và 12 mã giảm, chốt phiên chỉ số nhóm này cũng chỉ tăng nhẹ hơn 3 điểm. Trong đó,VIC và VCB vẫn là những động lực chính khi cùng chốt phiên tăng hơn 2%, lần lượt đóng góp hơn 1,1 và gần 2,8 điểm cho chỉ số chung.

Cổ phiếu tăng tốt nhất trong rổ này là một mã bank – HDB, khi chốt phiên tăng 3,8% lên mức 23.350 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt gần 6,4 triệu đơn vị khớp lệnh. Sáng nay, HDBank đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Bên cạnh việc tiếp tục tăng trưởng cao và bền vững, HDBank đã điều chỉnh tăng tỷ lệ chia cổ tức từ 25% lên 30%, đây có thể là động lực giúp cổ phiếu HDB bật hồi tích cực sau thời gian ngắn đầu phiên rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Ở chiều ngược lại, VRE là mã giảm mạnh nhất khi để mất 2%; tiếp theo là các mã lớn của các nhóm ngành khác như CTG giảm 1,8%, SSI giảm 1,3%, HPG giảm 1,2%...

Về nhóm ngành, nhóm bán lẻ vươn lên dẫn đầu với sự đóng góp của FRT tăng 4,71% và MWG nới rộng biên độ khi chốt phiên tăng 1,5%.

Bên cạnh đó, nhóm cảng biển vẫn khởi sắc hơn thị trường chung dù biên độ cũng thu hẹp đáng kể. Trong đó, GMD là tâm điểm khi chốt phiên tăng 4,8% lên mức 85.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch sôi động, đạt 4,33 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản vẫn giữ mức tăng nhẹ. Trong đó, các mã có thanh khoản tốt nhất thị trường đều thuộc nhóm này, với SHB dẫn đầu đạt 24,73 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 2,3% lên 11.350 đồng/CP; tiếp theo là NVL và DIG cùng khớp hơn 10 triệu đơn vị nhưng áp lực bán đã khiến cặp đôi này rung lắc và điều chỉnh nhẹ.

Ngược lại, nhóm chứng khoán là nhóm giảm mạnh nhất khi để mất hơn 1%, với sắc đỏ chiếm áp đảo toàn ngành, ngoại trừ một vài mã như FTS, TVS và TVB tăng nhẹ trên dưới 1%. Cổ phiếu VIX giảm nhẹ 0,9% và có giao dịch sôi động nhất ngày, đạt 8,32 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng với sức ép lớn đến từ nhóm cổ phiếu HNX30 đã khiến thị trường đảo chiều giảm.

Chốt phiên, sàn HNX có 64 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index giảm nhẹ 0,6 điểm (-0,27%), xuống 226,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 28,22 triệu đơn vị, giá trị 533,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,79 triệu đơn vị, giá trị 69,85 tỷ đồng.

Các cổ phiếu giao dịch sôi động trên thị trường đều đuối sức, trong đó SHS khớp lệnh lớn nhất gần 7,6 triệu đơn vị, chốt phiên sáng giảm 2,1%; tiếp theo là CEO khớp 2,75 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 1,1%, MBS giảm 2,2% và khớp 1,21 triệu đơn vị, PVS may mắn giữ sắc xanh nhưng chỉ tăng 0,3% và khớp 2,38 triệu đơn vị.

Trái lại, IDC khá tích cực khi đảo chiều thành công và chốt phiên sáng nay tăng 1,8% lên mức 56.200 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường vẫn giữ đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,47%) lên 88,74 điểm với 135 mã tăng và 101 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,48 triệu đơn vị, giá trị 133,52 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,19 triệu đơn vị, giá trị 20,4 tỷ đồng.

Cặp đôi giao dịch sôi động nhất thị trường là LMH và CST đều chốt phiên tại mức giá sàn, với khối lượng giao dịch đạt 2,1 triệu đơn vị và 1,1 triệu đơn vị.

Ngược lại, VGI chốt phiên tăng 4,3% lên mức 66.000 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Hà Trần (t/h)