Bác Hồ đã nói: "Ngôn ngữ là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phát triển ngày một rộng khắp".
Thế nhưng, lớp trẻ, đặc biệt là giới tuổi teen hiện nay đang sử dụng tiếng Việt một cách vô lối, tùy tiện, cẩu thả, thiếu trách nhiệm đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn hóa ngôn ngữ tiếng Việt trong giao tiếp và ảnh hưởng đến vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt - một nét đẹp văn hóa dân tộc.
Tiết sinh hoạt chủ điểm tháng tại lớp 8C2
Đứng trước thực trạng văn hóa sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hiện nay của học sinh, trước những hiện tượng “sính” chữ mới, chữ ngoại, “mốt” với ngôn ngữ thời @ của các bạn trẻ đã vô tình làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Là một trong những học sinh rất quan tâm và nghiêm túc nhìn nhận vấn đề về văn hóa ngôn ngữ trong giao tiếp của giới trẻ, Hai bạn Nguyễn Phan Quỳnh Anh và Trần Quang Huy, trường THCS Lạc Viên, Quận Ngô Quyền, Thành phố Hải Phòng đã có cái nhìn đa chiều dưới góc độ là những người trong cuộc. Các em cảm thấy phải cần thiết và kịp thời có những giải pháp giáo dục văn hóa ngôn ngữ trong giao tiếp cho giới trẻ ngày nay, đặc biệt là các bạn học sinh THCS trong thời đại công nghệ 4.0
Là những học sinh chăm ngoan, học giỏi, với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Quỳnh Anh và Quang Huy đã và đang cùng cô giáo tìm ra những giải pháp để điều chỉnh hành vi lệch chuẩn trong ngôn ngữ giao tiếp ở học sinh THCS hiện nay. Dưới góc nhìn là những bạn học sinh THCS, các em đã đề xuất nhiều giải pháp đối với cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt là giáo dục trong nhà trường, cần có giải pháp như giáo dục nét đẹp văn hóa ngôn ngữ trong giao tiếp, giáo dục tự nhận thức hành vi, tổ chức các hoạt động chuyên đề, sinh hoạt chủ điểm trong và ngoài giờ học, lồng ghép nội dung giáo dục trong các bài dạy, trong bài kiểm tra, nhất là đối với môn Ngữ văn và Giáo dục công dân...
Chia sẻ với phóng viên, Quỳnh Anh và Quang Huy cho rằng: Hiện tượng nói tục, chửi bậy, nói trống không xuất hiện khá phổ biến trong giao tiếp ở không ít các bạn học sinh, đặc biệt là khi nói với bạn bè cùng trang lứa. Theo các em, nguyên nhân chủ yếu của hành vi này là do thói quen hàng ngày của “khẩu miệng”, do thiếu sự cẩn trọng giao tiếp, đồng thời cũng ít được ai nhắc nhở và uốn nắn kịp thời nên cứ tự do sử dụng và cho đó là lối giao tiếp bình thường trong cuộc sống. Những lời nói thô tục, nói trống không những đã gây phản cảm, thiếu lịch sự, tế nhị …, đồng thời còn làm mất đi nét đẹp văn hóa trong giao tiếp vốn có của con người Việt Nam đã được hình thành từ lâu đời.
Tiết dạy học tích hợp với chủ đề
“Văn hóa ngôn ngữ trong giao tiếp hiện nay” - lớp 8C2
Các bạn cũng cho rằng, trên tất cả các phương pháp giáo dục là mỗi bạn học sinh cần tự nhận thức rõ văn hóa ngôn ngữ tiếng Việt, phải biết tự trau dồi và rèn luyện tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài để có vốn từ phong phú và sử dụng đúng chuẩn mực. Không nên chạy theo lối giao tiếp dễ dãi, lệch lạc mà làm mất đi văn hóa giao tiếp của chính mình cũng như nét đẹp văn hóa giao tiếp của truyền thống dân tộc Việt Nam.
Giáo dục văn hóa ngôn ngữ cho tuổi teen thời @ đang là vấn đề quan tâm của các nhà giáo dục và cần đến sự chung tay của các lực lượng xã hội. Trong đó bản thân giới trẻ – chủ thể của nhận thức và hành động đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần giữ gìn sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt trên cơ sở “kế thừa và phát huy truyền thống đi đôi với việc sáng tạo những giá trị mới phù hợp với tinh thần thời đại…”.
Hải Đăng