Tham gia tích cực vào hội thảo giới thiệu sách, tận dụng từng khoảng thời gian để trao đổi thảo luận, bước đầu tiếp cận nhưng các giáo viên đều cảm nhận rất rõ ràng về tinh thần đổi mới của các bộ sách giáo khoa.

"Học sinh sẽ rất thích thú, về nội dung đã tinh giản nhiều, đang hướng đến nội dung thực tế" - cô Nguyễn Đoan Trang, Trường THCS Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội cho biết.

Với cô giáo Hoàng Quỳnh Mai (Trường THCS Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn), nhiều năm qua vẫn luôn băn khoăn khi chương trình hiện hành có những nội dung học sinh phải học đi học lại ở cả nhiều môn Lý - Hóa - Sinh. Bất cập này cũng sẽ được tháo gỡ với sự xuất hiện của môn tích hợp Khoa học tự nhiên.

Giáo viên THCS gấp rút chọn sách giáo khoa lớp 6 mới
Giáo viên THCS gấp rút chọn sách giáo khoa lớp 6 mới.

Cô Mai chia sẻ: "Đây là bước chuyển biến lớn bởi mỗi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên đều bao hàm quá trình vật lý, hoá học, sinh học. Nếu cứ tách ra như chúng ta đang làm, học sinh chỉ nhìn được một mặt của vấn đề".

Tương tự, Địa lý và Lịch sử cũng sẽ được kết hợp thành một bộ môn. Rất nhiều thay đổi trong chương trình mới ở cấp THCS buộc mỗi giáo viên, mỗi nhà trường phải cấp tập chuẩn bị. Tâm thế trách nhiệm, chủ động của giáo viên đang được coi là yếu tố thuận lợi đối với việc triển khai chương trình mới. Chính vì thế, dù năm nay quyền chọn sách thuộc về UBND các tỉnh, thành phố thế nhưng các địa phương vẫn tiếp tục nêu cao vai trò của các nhà trường

"Vẫn lựa chọn trên cơ sở lựa chọn của giáo viên. Giáo viên và nhà trường là người trực tiếp giảng dạy, là người hiểu rõ cần phải sử dụng bộ sách nào cho phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như năng lực của địa phương" - ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết.

Để đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình mới ở lớp 2 và lớp 6 vào năm học tới, Bộ GD-ĐT đang yêu cầu các địa phương phải chọn xong sách giáo khoa trước ngày 5/4.

Trúc Mai