Điểm đáng chú ý của Thông tư 05/2024/TT-BGTVT là giấy phép lái xe (GPLX) trên VNeID cũng được coi là giấy phép hợp lệ. Tại điểm a, khoản 24, Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT này sửa đổi, bổ sung khoản 13, Điều 33, Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT (đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm a, khoản 19, Điều 1, Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT) có nêu rõ, giấy phép lái xe bằng vật liệu PET hợp lệ là giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp, có số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn in trên giấy phép lái xe trùng với số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn trong hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe hoặc có thông tin giấy phép lái xe đã được xác thực trên VNeID.
Bên cạnh đó, thông tư này cũng quy định rõ 6 trường hợp bị thu hồi giấy phép lái xe (GPLX) gồm:
- Có hành vi gian dối để được cấp GPLX: Khai báo gian dối về tuổi, sức khỏe, sử dụng giấy tờ không đúng quy định…;
- Tẩy xóa, làm sai lệch thông tin trên GPLX: Những người vi phạm trường hợp này sẽ không được cấp bằng trong 5 năm, nếu muốn cấp lại thì phải học và sát hạch như cấp giấy phép lái xe lần đầu;
- Để người khác sử dụng GPLX của mình: Đây là một trường hợp mới so với trước đây. Khi bị phát hiện thì sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe. Nếu muốn cấp lại thì phải học và thi sát hạch lại;
- Cấp GPLX cho người không đủ điều kiện: Trong đó, người được cấp bằng lái xe có thể không có đủ các điều kiện như không đủ tuổi, không đủ sức khỏe…;
- Khi có sai sót về thông tin trên GPLX. Các thông tin có thể bị sai sót gồm: thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe…;
- Khi người lái xe bị phát hiện trong cơ thể có ma túy thông qua việc khám sức khỏe.
Những người có giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng đến 1 năm kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lại lý thuyết; từ 1 năm trở lên phải sát hạch lại lý thuyết và thực hành lái xe trong hình và trên đường để cấp lại giấy phép.
PV (t/h)