Kết nối, lan tỏa hương sắc vùng miền
Từ bao đời nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết, là ngày hội chung của 54 dân tộc anh em.
Trong những năm gần đây, vào mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ cùng với các địa phương trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, trong đó có các hoạt động văn hóa văn nghệ đặc sắc, góp phần thể hiện tấm lòng thành kính của con Lạc, cháu Hồng hướng về nguồn cội.
Tự hào là “anh cả” của 62 tỉnh, thành phố anh em, Phú Thọ luôn trân trọng, nâng niu những giá trị văn hóa đang hiện hữu trên mảnh đất cội nguồn của dân tộc. Hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Tín ngường thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ là một phần không thể thiếu của những giá trị văn hóa đó. Bởi thế, khi đến với Phú Thọ, du khách sẽ được đắm mình vào những giai điệu Xoan mượt mà, sâu lắng với ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, quốc thái dân an. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm, tham gia diễn xướng Hát Xoan cùng với các nghệ nhân để thể hiện tấm lòng thành kính của con dân đất Việt với Vua Hùng, với tổ tiên.
Những giá trị văn hóa đặc sắc ấy đang ngày càng lan tỏa rộng khắp vùng miền cả nước và cả bạn bè quốc tế. Trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh, thành phố Việt Trì Anh hùng đang ngày càng khởi sắc, căng tràn sức sống.
Từ mảnh đất cội nguồn, du khách được trải nghiệm hành trình đi đến nhiều vùng miền trong cả nước để lắng nghe và cảm nhận những di sản văn hóa của từng địa phương.
Đến từ “Thủ đô gió ngàn” – Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã mang tới cho người dân và du khách một chương trình nghệ thuật tổng hợp đặc sắc, hấp dẫn.
Nghệ sĩ Ưu tú Mai Thanh - Phó Giám đốc Đoàn nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tham gia biểu diễn nghệ thuật phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018 là niềm vinh dự lớn, là cơ hội để các nghệ sĩ thể hiện tình cảm, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, cùng hướng về cội nguồn Đất Tổ. Đây cũng là dịp để chúng tôi quảng bá hình ảnh, giới thiệu về con người, về các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, những phong tục tập quán, nét văn hóa mang đậm bản sắc của các dân tộc trên quê hương Thái Nguyên.
Các nghệ sĩ của Đoàn Ca kịch tỉnh Quảng Nam lại mang đến một không gian mới lạ, đậm sắc màu văn hóa xứ Quảng với những câu ca Bài chòi vui tươi, những câu hò khoan đối đáp ngọt ngào hay lời hát Bả Trạo sâu sắc, thấm đượm triết lý.
Bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng Đoàn Ca kịch tỉnh Quảng Nam cho biết: “Quảng Nam là cái nôi lớn của nghệ thuật Bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cùng nhiều di sản văn hóa tiêu biểu cho vùng duyên hải Trung Bộ. Phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, tập thể đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên của đoàn chúng tôi đã xây dựng kịch bản và luyện tập công phu với mong muốn mang “Hương sắc Quảng Nam” đến với người dân Đất Tổ và du khách từ mọi miền đất nước”.
Hội tụ tinh hoa văn hóa
Không chỉ có vậy, khi đến với quê hương Đất Tổ, du khách cũng sẽ có cơ hội được hòa mình vào không gian đặc biệt của nghệ thuật múa rối nước tại thủy đình trong khuôn viên Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Những con rối được làm bằng gỗ, nhiều hình thù, màu sắc tươi tắn, ngộ nghĩnh, qua bàn tay điều khiển khéo léo của những người nghệ sĩ đến từ Nhà hát Múa rối Thăng Long - Hà Nội trở nên sinh động trong những tích trò, phản ánh chân thực đời sống sinh hoạt và lao động của người nông dân trên đồng ruộng với bao lo toan vất vả nhưng vẫn lạc quan, yêu đời.
Cùng với đó, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều bức ảnh tư liệu nghệ thuật quý tại Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì. Những bức ảnh đã khắc họa và tái hiện lại một cách sinh động, chân thực về phong tục tập quán, nét văn hóa, di sản đặc sắc của các tỉnh khu vực phía Nam Tổ quốc (gồm thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ), tiêu biểu như: Rừng tràm Trà Sư, chợ nổi Long Xuyên (tỉnh An Giang); lễ hội mùa nước nổi Búng Bình Thiên, tháng Ramadan của đồng bào dân tộc Chăm; lễ Sen Donta, tết Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer; phong tục thỉnh lồng đèn, biểu diễn lân rồng của đồng bào dân tộc Hoa...
Có thể khẳng định, trong cuộc hành trình về với cội nguồn, những người con đến từ mọi miền đất nước đã thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng và lòng quyết tâm xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật; từ đó góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, giữ gìn sự trường tồn của đất nước.
“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba” - là tâm tư, tình cảm của đồng bào cả nước hướng về nguồn cội được duy trì hơn bốn nghìn năm qua. Càng gần ngày giỗ Tổ, dòng người đổ về Đền Hùng mỗi ngày một đông hơn, không khí lễ hội tràn ngập, bao trùm khắp các nẻo đường. Tiếng trống hội âm vang chào đón những người con phương xa trở về với mảnh đất cội nguồn của dân tộc…
Với mục tiêu xây dựng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trở thành một trong các lễ hội mẫu của cả nước, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực tập trung chỉ đạo, để đảm bảo lễ hội được tổ chức chu đáo, an toàn với phần Lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần Hội với các hình thức hoạt động vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, tạo sức lan tỏa rộng rãi và sự hài lòng cho đồng bào, du khách thập phương.
Chúng ta có thể tự hào nói rằng, Đất Tổ hôm nay đã và đang là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa đặc sắc nhất của các vùng miền dân tộc trong cả nước.
Hoan Nguyễn