Từ khi ra đời, Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam đã kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, vừa chiến đấu vừa xây dựng, ngày càng phát triển và không ngừng trưởng thành, lớn mạnh.

Với khoảng gần 150 tài liệu, hình ảnh được lựa chọn từ các phông tài liệu hành chính: Quốc hội, Ủy ban Thống nhất Chính phủ, Bộ Nội vụ, Chủ tịch nước/Văn phòng Chủ tịch nước..., khối tài liệu sưu tầm, tài liệu của các nghệ sỹ sáng tác tác phẩm về quân đội, các nhà văn, nhà thơ - được đưa ra giới thiệu, là sự chứng minh cho quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Các tài liệu lịch sử từ khi thành lập của Quân đội nhân dân Việt Nam
Các tài liệu lịch sử từ khi thành lập của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tiêu biểu như:

Thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) với những tài liệu: Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tháng 12/1944, Diễn văn của đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc ngày 22/12/1944, ảnh lễ tổ chức thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, ở khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng).

Về tổ chức bộ máy, cán bộ Bộ Quốc phòng và tên gọi Quân đội nhân dân Việt Nam: Sắc lệnh số 28 ngày 15/3/1946, của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc cử ông Tạ Quang Bửu giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Sắc lệnh số 34 ngày 25/3/1964, của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc tổ chức Bộ Quốc phòng…

Quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và lễ phục của Quân đội nhân dân Việt Nam: Sắc lệnh số 33/QP ngày 22/3/1946, của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về ấn định các cập bậc, quân phụ, phù hiệu, cấp hiệu cho lục quân của toàn quốc…

Từ toàn quốc kháng chiến đến Chiến dịch Điện Biên Phủ 1946 - 1954: Hình ảnh đoàn giải phóng quân diễu binh Kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1945 tại Hà Nội, hình ảnh quân đội ta trong chiến dịch Việt Bắc, Điện Biên Phủ…

Những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ 1954 - 1975: Báo cáo của Chính phủ về vấn đề Xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng - do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa I (từ 29/12/1956 - 25/1/1957), bộ đội ta sơ tán máy móc, sẵn sàng chiến đấu ở Hà Tây năm 1972, quân dân Thủ đô Hà Nội bắn rơi máy bay B52…

Các tài liệu về: Chính sách, chế độ với bộ đội, dân quân; quân đội, quốc phòng thời kỳ hòa bình, đổi mới; pháp luật quân đội; khen thưởng công trạng; Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội nhân dân Việt Nam; Thủ tướng Phạm Văn Đông và Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam…

Các tài liệu của Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ phát triển
Các tài liệu của Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ phát triển

Tại lễ giới thiệu, bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III chia sẻ:

“Khối tài liệu này, được cán bộ quản lý lưu trữ từ năm 1945, đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh được sơ tán đến những nơi an toàn như Tuyên Quang, hay như được đưa vào TP. HCM. Trong các thời kỳ khó khăn, các tài liệu lưu trữ được quan tâm, sắp xếp cẩn thận. Sau khi thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành công văn nhắc nhở tất cả các cơ quan bộ, ngành phải lưu trữ, không được tiêu hủy các tài liệu quan trọng.

Đối với văn bản hôm nay giới thiệu - là công việc rất khó khăn, vì nhiều tài liệu gốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành, trải dài quá trình hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đã có những chia sẻ đầy tự hào:

“Tôi tự hào khi nhìn những tài liệu gốc gắn liền với lịch sử phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, gắn liền với những chủ trương, lời dạy của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước. Tôi rất xúc động khi bản thân mình cũng là người lính tham gia quân đội từ năm 15 tuổi, đến khi trở thành cấp tướng, có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc gắn với cuộc đời.

Đây là cơ hội rất tốt mà tôi mong muốn được giới thiệu tư liệu, lan tỏa đối với tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ”.

Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng xúc động chia sẻ tại lễ giới thiệu
Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng xúc động chia sẻ tại lễ giới thiệu

Ông Võ Hồng Nam, con trai của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động nói:

“Tôi rất xúc động khi được xem những tài liệu lữu trữ qua 80 năm của lịch sử dân tộc. Ba tôi từng nói: "Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại oanh liệt nhất trong dòng chảy lịch sử dân tộc". Để lưu trữ được các tài liệu hôm nay, thì đó là rất nhiều công sức và xương máu của biết bao thế hệ các đồng chí làm công tác lưu trữ và bảo vệ tài liệu đó. Tài liệu 80 năm từ những ngày thành lập đến nay, từ lúc quy mô lúc đầu còn nhỏ bé, đến thành công của cuộc kháng chiến - do sự lãnh đạo đứng đắn của Đảng và Nhà nước…

Những tài liệu hôm nay các bạn nhìn thấy, dù còn rất là nhỏ, nhưng trong mỗi tài liệu viết rất ngắn gọn đó là sự chăm chút, giao nhiệm vụ rõ ràng…”.

Ông Võ Hồng Nam, con trai của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu
Ông Võ Hồng Nam, con trai của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu

Một số hình ảnh về các tài liệu tại sự kiện giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam:

Những tài liệu lưu trữ, được lựa chọn tại sự kiện là tài liệu gốc, nhiều tài liệu lần đầu tiên đưa ra giới thiệu đến đông đảo công chúng, chứa đựng những thông tin tin cậy về quá trình thành lập, xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, chính sách quốc phòng và chặng đường dài phát triển của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thu Trang