Doanh nghiệp trong vòng vây khó khăn
Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Ba Vì (huyện Ba Vì) Lê Hoàng Vinh chia sẻ, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến sản lượng tiêu thụ sữa thành phẩm của công ty bị sụt giảm mạnh tới 35% do kênh tiêu thụ các nhà hàng, khách sạn, tuyến du lịch, trường học dừng hoạt động. Những ngày gần đây, khâu tiêu thụ lại tiếp tục gặp khó khăn do mất tới 3 ngày (24,25,26/7) bị ách tắc khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Phải tới ngày 27/7, nhiều xe của công ty mới cập nhật được thẻ luồng xanh và “thoát” đi các tỉnh, thành. Tuy nhiên kể cả khi đã được lưu thông từ Hà Nội để chuyển tới các nhà phân phối, nhưng một số địa phương đánh giá sữa không phải mặt hàng thiết yếu thì cũng không được thông tuyến.
“Hiện công ty đang phân phối hàng đến 40 tỉnh, thành trên cả nước với 30 xe tải chuyên chở hàng và 30 nhân viên lái xe. Song, đội ngũ lái xe cũng gặp nhiều vướng mắc trong quá trình giao hàng khi phải đáp ứng yêu cầu giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 âm tính. Trong khi việc lấy mẫu RT-PCR sau 8 tiếng mới có kết quả nhưng thời hạn chỉ trong 72 giờ. Chưa kể, lái xe giao hàng tại các tỉnh là địa phương đang trong diện phong tỏa do dịch Covid-19 nên vô cùng vất vả trong tình cảnh bắt buộc phải ăn nghỉ trên xe” – ông Lê Hoàng Vinh cho hay.
Trước những khó khăn nêu trên, Công ty Cổ phần Sữa Ba Vì cũng đã có văn bản kiến nghị với UBND huyện Ba Vì, Sở NN&PTNT Hà Nội, Hiệp hội Sữa Việt Nam đề xuất với TP, các bộ ngành để sớm có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.
Không chỉ có các DN sản xuất sữa gặp khó khăn, theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay rất nhiều các DN sản xuất công nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn cung phục vụ sản xuất. Nguyên nhân do chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất như thép, phân bón và các nguyên phụ liệu trong các ngành sản xuất đồ uống, thực phẩm. Bên cạnh đó, việc phát sinh nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn tới các DN.
Cùng với đó là chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng tăng rất cao, khiến DN xuất nhập khẩu đau đầu. Giá cước container và vận chuyển bằng tàu biển tăng gấp 3 - 4 lần, thậm chí gấp 7 - 8 lần so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và chưa “hạ nhiệt” đang trở thành một trong những thách thức rất lớn với DN cả ở chiều xuất lẫn nhập khẩu.
Đáng nói, việc áp dụng các quy định về phòng dịch, trong đó có yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm Covid-19 đối với các tài xế vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là vận chuyển liên tỉnh còn rất phức tạp và không thống nhất giữa các địa phương. “Nhiều địa phương yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ hoặc yêu cầu tài xế phải thực hiện cách ly, đổi tài xế trong quá trình vận chuyển… Điều này đã phát sinh thêm rất nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa của DN. Tình trạng trên đã gây thiệt hại cho các DN vận tải ít nhất 100 tỷ đồng/ngày” – Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Lê Duy Hiệp cho hay.
Báo cáo tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các hiệp hội, ngành hàng gửi tới Bộ Công Thương mới đây cho thấy, vấn đề nổi cộm hiện nay đó là quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, gây ra rất nhiều khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Đặc biệt, việc áp dụng phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” gây nhiều khó khăn cho các DN sản xuất. Các DN (chủ yếu là các DN phía Bắc) đang áp dụng phương châm nêu trên gặp nhiều vấn đề phát sinh mới như: Điều kiện ăn ở cho công nhân và người lao động không đảm bảo, thời gian sinh hoạt ngoài giờ làm việc nảy sinh nhiều phức tạp, an sinh của người lao động khi họ bị tách khỏi gia đình quá lâu, chi phí xét nghiệm tăng cao, thời gian bắt buộc áp dụng phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” có thể kéo dài dẫn đến các bất ổn trong nội bộ DN…
Kịp thời gỡ khó, không để đứt gẫy chuỗi cung ứng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trên cơ sở đề xuất của hiệp hội, ngành hàng, DN, Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp cấp thiết. Cụ thể: Ưu tiên tiêm vaccince cho người lao động tại các DN, để tránh tình trạng người lao động phải di chuyển nhiều lần đi xét nghiệm Covid-19, đồng thời góp phần giảm tải cho hệ thống y tế. Bộ đề nghị các địa phương giao quyền chủ động cho DN thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm ngay tại DN, và chịu trách nhiệm về kết quả.
Bên cạnh đó, đơn giản hóa yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm Covid-19 đối với lực lượng tài xế vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Xem xét gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ô tô ra vào địa phương; cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả RT-PCR như nhiều địa phương đang áp dụng.
Trong thời gian trước mắt, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cần bổ sung một số ngành sản xuất, dịch vụ, mặt hàng vào danh mục “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” như: Các cơ sở chế biến thực phẩm từ các ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản để tạo điều kiện ổn định lưu thông, sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Bộ Công Thương cũng đề xuất Bộ Y tế cần xem xét sửa đổi các quy định, hướng dẫn về các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng chống Covid-19, trong đó bổ sung mức ưu tiên cho các đối tượng lao động ngành vận tải, đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh và các đối tượng khác trong ngành logistics nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hoá được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất.
Đối với các DN phía Nam, Bộ Công Thương khuyến cáo, với đặc thù sử dụng nhiều lao động nhập cư từ các địa phương khác, chỉ nên yêu cầu thực hiện phương châm “1 cung đường, 2 địa điểm”, không nên yêu cầu áp dụng phương châm “3 tại chỗ”. Trong đó, DN sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường và địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc lây lan dịch bệnh. Đồng thời, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về lộ trình dự kiến phục hồi sản xuất để các DN có kế hoạch về nhân sự, lao động và tài chính để hoạt động trở lại sau đại dịch.
Ngay khi dịch Covid-19 quay trở lại, Bộ Công Thương đã có văn bản số 2641/BCT-CB ngày 11/5/2021 đề nghị các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN công nghiệp trên địa bàn, hướng dẫn các DN xây dựng kịch bản ứng phó với diễn biến dịch bệnh để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh an toàn, nếu có khó khăn, vương mắc đề nghị phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Theo Ánh Ngọc/kinhtedothi.vn