Để đạt được sự chuyển đổi này, đòi hỏi phải giải quyết 4 thách thức lớn...
Động lực quan trọng
Sản lượng nông nghiệp được dự báo tăng nhẹ trong năm 2017 với viễn cảnh giá lương thực toàn cầu tăng và thời tiết bớt biến động hơn.
Gỡ “nút thắt” cho nông nghiệp: Giải quyết 4 thách thức lớn
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhìn nhận: “Nông nghiệp luôn là một động lực quan trọng của tăng trưởng, giảm nghèo, an ninh lương thực và xuất khẩu, kể từ khi Chính phủ bắt đầu cải cách lĩnh vực này vào cuối những năm 1980. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước sức ép cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng và năng suất lao động trong nước thấp, tăng trưởng của khu vực này đã chậm lại, chỉ khoảng 2%/năm kể từ năm 2011”.
Báo cáo nêu rõ, sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Indonesia và chưa bằng một nửa so với Thái Lan và Philippines.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, do Việt Nam đang phục hồi sau đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong một thập niên, việc thúc đẩy tăng trưởng trong nông nghiệp sẽ có tầm quan trọng sống còn - giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao.
“Trong khi Việt Nam tiếp tục khắc phục những tác động ngày càng xấu của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp, những cải cách sâu rộng hơn và nguồn vốn đầu tư lớn hơn cho lĩnh vực này - sẽ có vai trò then chốt để tăng năng suất nông nghiệp, bảo đảm tăng trưởng đồng đều và bền vững về môi trường trong dài hạn”, ông Sidgwick nói.
Giải quyết 4 thách thức
Thách thức thứ nhất đó là cấu trúc thị trường và khả năng cạnh tranh. Các DNNN đang thống lĩnh nguồn cung yếu tố đầu vào, chế biến sau thu hoạch và tiếp thị sản phẩm. DNNN cũng độc quyền bán buôn, đồng nghĩa với việc một phần lớn giá cả sản phẩm đầu ra thuộc về các chủ thể trung gian kém hiệu quả. Điều này làm giảm thu nhập của người nông dân và giảm động cơ đầu tư.
Thứ hai, cần tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng tích hợp để duy trì tăng trưởng mạnh trong ngành nông nghiệp. Cần tăng đầu tư công để vừa duy trì cơ sở hạ tầng nông thôn hiện có, vừa xây dựng hạ tầng mới trong các lĩnh vực thủy lợi, giao thông, xử lý và bảo quản sau thu hoạch. Người nông dân cần áp dụng các công nghệ và phương pháp cải tiến mang lại năng suất cao hơn và thân thiện môi trường hơn trong sản xuất nông nghiệp. Điều này đòi hỏi phải có sự liên kết mạnh mẽ hơn giữa các viện nghiên cứu nông nghiệp và nhà nông.
Thứ ba, phải quản lý tài nguyên bền vững hơn, trong đó phải có các chính sách khuyến khích tích tụ đất đai thành các khu vực canh tác có diện tích lớn hơn. Trên 80% số thửa đất canh tác ở Việt Nam có diện tích dưới 1 ha. Người nông dân sống dựa ngày càng nhiều hơn vào các thửa đất canh tác nhỏ, sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học để tăng năng suất mà ít tính đến ảnh hưởng lâu dài đến môi trường. Chất lượng nước ngày một xấu đi là một mối quan ngại đặc biệt lớn. Nông nghiệp đã sử dụng đến 82% lượng nước ngọt của Việt Nam. Ô nhiễm nước trên các dòng sông đang đe dọa sự bền vững trong sử dụng nước cho hoạt động nông nghiệp.
Cuối cùng, cần cấp thiết giải quyết những tác động ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp. Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu và nông nghiệp càng đứng trước nguy cơ lớn hơn, vì phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện khí hậu và sinh thái nông nghiệp ổn định.
Ngoài nguy cơ hạn hán, tài nguyên nước còn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xu hướng biến động dòng chảy ngày càng tăng của hệ thống sông ngòi, buộc người nông dân phải lệ thuộc nhiều hơn vào nước ngầm. Thủy sản và các nguồn lợi ven biển cũng rất dễ bị tổn thương trước thay đổi nhiệt độ, tình trạng úng lụt mất kiểm soát và xâm nhập mặn.
Để chuẩn bị đầy đủ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, cần có sự lãnh đạo - chỉ đạo mạnh mẽ, đảm bảo sao cho các cân nhắc về biến đổi khí hậu được lồng ghép đầy đủ vào công tác hoạch định chính sách, ưu tiên cho các dự án đầu tư xanh, thông minh như cải thiện quy hoạch tài nguyên nước và sử dụng nước hiệu quả hơn.
Minh Anh