Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định cắt giảm 0,5% lãi suất điều hành của nền kinh tế nước này, đánh dấu lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong hơn 4 năm qua. Với vai trò là Ngân hàng Trung ương của Mỹ, quyết định được cho là "mạnh tay" của FED báo hiệu Mỹ sẽ bắt đầu lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này.
Xung quanh vấn đề trên, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu đã đưa ra góc nhìn cụ thể.
Theo đánh giá của Tiến sỹ thì việc FED giảm lãi suất sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu: Tại thời điểm này, nền kinh tế Việt Nam đang bị tác động rất mạnh bởi cơn bão Yagi, lãi suất của FED giảm cũng tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể giảm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, từ đó tác động giảm lãi suất trên tất cả các thị trường tín dụng, hỗ trợ cho nền kinh tế, nhất là kinh tế của miền Bắc đang gặp rất nhiều khó khăn sau hậu quả của cơn bão Yagi.
Việc FED giảm lãi suất sẽ giúp giảm áp lực lên tỷ giá của VND so với USD, tỷ giá của chúng ta sẽ ổn định hơn trong những tháng cuối năm. Khi tỷ giá ổn định hơn cũng sẽ bớt áp lực lên lạm phát, từ đó Ngân hàng Nhà nước có thể có những chính sách tiền tệ linh hoạt hơn so với trước đây. Có thể Ngân hàng Nhà nước cũng đang và sẽ tiếp tục xem xét việc làm thế nào để giảm thêm lãi suất, nhưng điều này cần một độ trễ, có thể từ 1 - 3 tháng, nhưng có những tác động tức thời lên tỷ giá sẽ không cần có độ trễ nào cả.
Tác động tức thì với tỷ giá sẽ mang lại cơ hội và thách thức ra sao với kinh tế Việt Nam, thưa Tiến sỹ?
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu: Khi USD suy yếu do việc FED giảm lãi suất có thể làm giảm áp lực trên tỷ giá, có tác dụng tốt đến việc kiểm soát lạm phát tại Việt Nam, vì Việt Nam nhập khẩu rất nhiều, với tỷ giá ổn định cũng sẽ ổn định tình hình lạm phát tại Việt Nam và giúp cho tăng trưởng của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại sẽ bất lợi cho xuất khẩu, vì các nhà xuất khẩu khi nhận USD và đổi ra VND họ không nhận được mối lợi từ việc tỷ giá tăng. Trong trường hợp này tỷ giá ổn định, thậm chí có thể giảm đối với nhà xuất khẩu không có lợi. Tuy nhiên, những bất lợi của nhà xuất khẩu được bù trừ bởi điểm có lợi của nhà nhập khẩu.
Tiến sỹ có thể phân tích cụ thể hơn về tác động trực tiếp từ quyết định giảm lãi suất của FED đối với nhập khẩu của Việt Nam?
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu: Việt Nam có kim ngạch xuất - nhập khẩu hai chiều lên đến gần gấp đôi GDP. Chính vì thế FED giảm lãi suất làm cho giá trị của đồng USD trên các ngoại tệ khác cũng giảm đi. Đối với Việt Nam là một quốc gia có thể nói là lệ thuộc vào xuất - nhập khẩu chủ yếu là bằng USD, khi mà giá trị USD suy yếu, có nghĩa là giá trị của VND so với USD được tăng lên, sẽ giúp ổn định tỷ giá (ít nhất từ nay đến cuối năm), từ đó có lợi cho nhập khẩu của Việt Nam do Việt Nam nhập khẩu rất nhiều để có thể xuất khẩu. Chính vì thế, giá nhập khẩu tính bằng USD, khi giá trị của USD giảm cũng giảm giá nhập khẩu, nếu tính ra VND đó là điểm có lợi cho ngoại thương của Việt Nam.
Ngoài lĩnh vực xuất – nhập khẩu, còn lĩnh vực nào chịu tác động gián tiếp đáng chú ý từ quyết định giảm lãi suất của FED, thưa Tiến sỹ?
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu: FED giảm lãi suất sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán, khi giá chứng khoán có thể được hỗ trợ từ việc giảm lãi suất trên thế giới, tại Mỹ cũng như tại Việt Nam. Giá chứng khoán Mỹ sẽ tăng trong những ngày sắp tới và ảnh hưởng tới các thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có thị trường chứng khoán của Việt Nam.
Thị trường chứng khoán của Việt Nam sẽ hưởng tác động từ động thái của FED giảm lãi suất, Việt Nam có dư địa để có thể giảm thêm lãi suất, giúp tăng giá của chứng khoán tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Bởi vì giá chứng khoán và lãi suất luôn luôn có tỷ lệ nghịch với nhau, khi lãi suất Việt Nam có thể sẽ tiếp tục hạ sẽ có tác động tích cực đến giá chứng khoán của Việt Nam, đẩy giá chứng khoán của Việt Nam lên, có lợi cho thị trường chứng khoán.
Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!
PV/VOV.vn