Các NHTM đã giảm hàng loạt mức lãi suất cho vay sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành
TP. HCM, các doanh nghiệp dệt may chưa kịp mừng khi vừa có đủ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, thì lại phải đôn đáo lo đầu ra. Bởi châu Âu và Mỹ ngừng nhập hàng trong ít nhất 2 tuần.
Do vậy, ngay khi nắm thông tin gói tín dụng 285.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ thông qua, doanh nghiệp rất nôn nóng tiếp cận, coi đây là cứu cánh qua mùa dịch.
“Lúc này, rất cần phía ngân hàng hỗ trợ vốn, hướng dẫn chúng tôi cách tiếp cận như thế nào và có khả năng vay đến khi nào phải trở lại sản xuất”, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu Đan TP. HCM Phạm Văn Việt chia sẻ.
Với các doanh nghiệp đang tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đang thấp thỏm, lo sợ chuỗi cung ứng này sẽ bị đứt đoạn bất cứ lúc nào nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nguồn vốn vay ưu đãi - được xem là nguồn lực tái đầu tư hiệu quả, duy trì chiến lược dài hạn bền vững, phát triển sản phẩm mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng e ngại, khó tiếp cận với gói tín dụng này.
Chủ tịch Hội Cao su nhựa, TP. HCM Nguyễn Quốc Anh cho biết:Tôi nghĩ, các ngân hàng không thờ ơ, nhưng là tiền của họ nên sẽ làm chặt chẽ, theo đó, chỉ doanh nghiệp nào đáp ứng những yêu cầu tối thiểu và thực sự khó khăn, thì mới mở hầu bao.
Được biết, gói hỗ trợ 285.000 tỷ sẽ triển khai tại 16 hệ thống ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi cho 5 lĩnh vực ưu tiên: Nông nghiệp nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bị tổn thất bởi dịch bệnh. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải đẩy nhanh quá trình triển khai, đơn giản hóa thủ tục để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đang bị thiệt hại.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP. HCM Nguyễn Hoàng Minh nêu: Các ngân hàng nhanh chóng phối hợp với các sở, ngành để tiếp cận với các doanh nghiệp này, tìm cách đưa vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi nhất. Ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên, còn cho các lĩnh vực khác vay bằng lãi suất ngắn hạn xoay quanh mức 8 -8,5%/năm.
Chuyên gia Kinh tế, TS. Bùi Quang Tín cho rằng: Phía ngân hàng phải có đội ngũ cán bộ, nhân viên tìm hiểu rõ khó khăn của doanh nghiệp để có sự hỗ trọ thực chất hơn nữa và đây là điều các doanh nghiệp cần. Nếu chúng ta tuân thủ theo pháp luật, thực hiện một cách nghiêm túc trong quá trình tiếp cận, tìm kiếm, hỗ trợ, thẩm định, thì thực sự rất ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ này.
Việc thông qua gói tín dụng cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ, giúp doanh nghiệp bị thiệt hại bởi dịch Covid-19 sẽ phục hồi được sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu vay vốn tái đầu tư của doanh nghiệp rất thấp. Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ đạt chừng 0,1%. Vì vậy, để gói tín dụng thực sự là cứu cánh của doanh nghiệp, thì phía ngân hàng cần phải có cách tiếp cận hiệu quả, thực chất hơn nữa.
X. Phong