Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Đội quản lý thị trường số 11 - Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, bằng các biện pháp nghiệp vụ và thông tin phản ánh của bạn đọc Tạp chí Thương hiệu & Công luận đã có buổi kiểm tra đột xuất tại 3 cơ sở kinh doanh Hóa mỹ phẩm, phụ liệu tóc... trên địa bàn quận Hà Đông – TP. Hà Nội.
Cụ thể, kiểm tra cơ sở kinh doanh Nguyễn Thị Thúy tại địa chỉ số 656 Quang Trung, phường La Khê, Hà Đông (Nhà phân phối Mỹ phẩm Thái Sơn). Bước đầu ghi nhận tại cơ sở này đã có hành vi vi phạm: Kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Khi kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Nguyễn Thị Thúy đã có hành vi vi phạm pháp luật. Tham chiếu theo pháp luật hiện hành, cơ sở này đã vi phạm vào Điểm b, khoản 1, khoản 2 Điều 31 Nghị định 119/2017/ NĐ-CP ngày 01/11/2011 của Chính Phủ.
Trong cùng ngày, Đoàn liên ngành tiếp tục kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm Hùng Minh địa chỉ tại số 441 Quang Trung phường La Khê, Hà Đông. Do bà Nguyễn Thị Cẩm đứng tên đăng ký cơ sở kinh doanh. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện cơ sở bày bán hàng nghìn sản phẩm mẫu nhuộm Kyane là hàng hóa do nước ngoài sản xuất có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Ngoài ra, tại cửa hàng không niêm yết giá hàng hóa theo quy định.
Bước đầu, qua công tác kiểm tra đối chiếu hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, tem nhãn của những sản phẩm nhập khẩu. Theo khoản 2 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định nghĩa vụ của người nhập khẩu là chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa do mình nhập khẩu. Đồng thời, theo khoản 2 Điều 31 Nghị định 119/2017/ NĐ-CP ngày 01/11/2011 của Chính Phủ. Quy định về nhãn hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng tiếng Việt.
Tiếp đó, Đoàn liên ngành Đội quản lý thị trường số 11 - Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội và Tạp chí Thương hiệu và Công luận cũng tiến hành kiểm tra tiếp cơ sở kinh doanh Triệu Gia Tú địa chỉ số 434 Quang Trung, P La Khê, Hà Đông. Tại thời điểm kiểm tra cơ sở kinh doanh đã có hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, vi phạm điểm b Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính Phủ.
Theo ông Nguyễn Minh Khoán (Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 11 - Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội):“ Hiện nay, tình trạng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, cũng như các vi phạm về bảo hộ thương hiệu sản phẩm đang có những diễn biến phức tạp. Trước diễn biến của tình hình thực tế, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát trên địa bàn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” .
Thực hiện đúng theo Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, tích cực triển khai các biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đã phát hiện, xử lý hàng chục ngàn vụ việc vi phạm, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước và an ninh trật tự.
Nhóm PV – Chuyên trang Hàng Thật