Mưa lũ cũng cuốn trôi 2 con trâu, 20 con lợn, trên 450 con gia cầm, 11 con dê, vùi lấp 65 ha hoa màu, lúa vụ Mùa. Tổng khối lượng đất đá sạt lở toàn xã ước tính khoảng 20.700m3. thiệt hại nặng nề ước tính hàng chục tỷ đồng.
Bản Rịa là xã vùng ba của huyện Quang Bình (Hà Giang), cuộc sống của đồng bào dân tộc Tày nơi đây chủ yếu sinh sống canh tác là nông nghiệp. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay thiên tại lại “giáng” cho đồng bào nơi đây thêm những khó khăn, mất mát về người và tài sản, khiến đời sống của bà con lâm vào cảnh thiếu thốn.
Con thơ ngơ ngác chờ cha về
Từ Quốc lộ 279 đoạn từ xã Yên Thành vào đến trụ sở xã Bản Rịa, ước khoảng 15km. Chúng tôi men theo con đường độc đạo toàn đất, đá lởm khởm bùn lầy tôi nhẩm đếm được có hơn 30 điểm sạt lở ách tắc đường giao thông. Hết khoảng gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới tiếp cận được thôn Bản Rịa xã Bản Rịa - nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất sau cơn lũ vừa qua ở huyện Quang Bình.
Cảm nhận rõ nhất lúc này là một bầu trời không khí ảm đạm, vì bà con cũng vừa tổ chức đám tang xong cho ông Hoàng Văn Sầu, nạn nhân xấu số bị lũ cuốn trôi.
Những hình ảnh khiến chúng tôi cũng không cầm nổi nước mắt, khi thấy con trai ông Sầu là anh Hoàng Văn Thoát cũng là người bị lũ cuốn trôi, vừa gượng gạo dậy sau khi làm đám tang xong cho bố.
Anh Thoát lau những giọt nước mắt chia sẻ: “Lúc ấy là 6 giờ 30 phút hay 7 giờ tôi cũng không nhớ nữa, cả nhà đang làm cơm ăn sáng bỗng lũ ập về, cả 2 gia đình chạy toán loạn, bố và thằng em tôi không kịp chạy thoát thân cũng đã cuốn theo dòng nước lũ. Tôi bị nước lũ cuốn trôi mấy chục mét, cũng may dạt được vào bờ, lúc tỉnh dậy nghe tin bố mất và em trai hiện vẫn chưa tìm thấy, tôi đau lòng vô cùng”.
Anh Thoát vừa lau nước mắt vừa nhìn về bàn thờ có tấm ảnh thờ của bố mình, dường như ánh mắt của anh không còn chút sức lực nào nữa, vì vừa phải trải qua nỗi đau quá lớn.
Cảnh nơi tâm điểm của đợt lũ tại thôn Bản Rịa xã Bản Rịa huyện Quang Bình, Hà Giang
Còn chị Hoàng Thị Tang vợ anh Hoàng Văn Đại (anh hiện vẫn mất tích chưa tìm thấy) bế đứa con gái mới được hơn 1 tuổi lau nước mắt, giọng nói vẫn còn khàn vì khóc nhiều: “Tôi chịu khổ một mình còn đành, nhưng đây còn 2 đứa con thơ, nhìn chúng nó khóc chờ bố về mà tôi không can lòng”.
Đứa con trai cả của anh Hoàng Văn Đại là Hoàng Văn Tự đang hì hục nhóm bếp, nét mặt buồn thiu vì nỗi đau ông nội mất, bố mất tích hiện vẫn chưa tìm thấy: “Cháu nhóm bếp đun nước đợi bố về bố tắm, mấy hôm rồi bố cháu chưa về, cháu nhớ bố lắm. Giờ này bố cháu lạnh lắm, người cũng bẩn lắm, cháu đun ấm nước chờ bố về để cho bố tắm, cháu nhớ bố cháu lắm”.
Vừa nói, cháu Tự vừa lau nước mắt, nhóm lửa để đun sôi ấm nước mà khiến người ta đau lòng thay.
Cháu Hoàng Văn Tự nhem nhuốc đun nước đợi bố về tắm (anh Hoàng Văn Đại hiện vẫn mất tích).
Cả gia đình đang ở tạm ngôi lán được dựng tạm trước đó, chị Tang nói: “Nhà giờ chẳng còn gì để sống được cả. Thằng lớn đi học, sách vở trôi hết, quần áo cũng chẳng còn. Ngôi nhà sàn 5 gian của hai vợ chồng tôi, sau trận lụt cũng mất luôn toàn bộ, giờ chẳng còn gì nữa!” - giọng chị Tang nghẹn lại không cất nỗi nên lời khi kể về hoàn cảnh gia đình.
Tiếp tục men theo con dòng suối ngược dòng về trụ sở xã, chúng tôi bắt gặp anh Mã Công Du đang cố gắng nhặt những viên gạch còn xót lại sau khi bị đất đá trên đồi sau nhà đổ sập xuống. Anh Du thẫn thờ: “May hôm ấy linh tính mách bảo thế nào hai vợ chồng tôi với đứa con lại ngủ giường ngoài nên không ảnh hưởng gì đến người.
Còn hiện tại nhà cửa, một bên là quán tạp hóa bán được đồng nào hay đồng ấy để chi tiêu cho gia đình. Giờ mất trắng rồi, cũng may gia đình người thân, lực lượng công an, dân quân, đoàn thanh niên địa phương giúp đỡ thu dọn lớp đất đá chồng chất và hỗ trợ gia đình tiền, phần nào giúp tôi nguôi đi những thiệt hại”.
Tình nghĩa quân dân sau lũ
Nhận được tin bão lũ gây thiệt hại nặng nề tại xã Bản Rịa, lực lượng công an, bộ đội huyện Quang Bình được huy động tối đa để thực hiện các công tác cứu hộ, giúp dân.
Bão lũ đi qua, họ lại có mặt để giúp dân khắc phục những hậu quả thiên tai để lại. Xem những hình ảnh cán bộ, chiến sỹ giúp dân, trầm mình trong những thiệt hại do mưa bão gây ra, bất kể hiểm nguy, mới thấy được tình quân dân thắm thiết như thế nào.
Mặc dù cơn lũ ống, lũ quét đã đi qua, tuy nhiên, hiện tại, xã Bản Rịa chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn lũ này vẫn rơi vào tình trạng ngổn ngang, tan hoang khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Chiến sỹ Hoàng Văn Đôn, Công an huyện Quang Bình đang nỗ lực xúc những đống đất đá ngổn ngang, lau những giọt mồ hôi chia sẻ: “Khắc phục những hậu quả do thiên tai để lại cho dù khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để giúp bà con và nhà trường khắc phục sớm ổn định cuộc sống”.
Nhiều ngôi nhà bị hư hỏng nặng do mưa lũ
Thượng tá Vương Đức Tho, Trưởng Công an huyện Quang Bình thông tin: Chúng tôi triển khai lực lượng nỗ lực hỗ trợ người dân vùng lũ cao nhất, nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương tìm kiếm tại các khu vực có người dân bị mất tích và khu vực sạt lở. Trong khi thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi bố trí toàn bộ lực lượng, phương tiện trực và ứng trực để đảm bảo an toàn cho người dân.
Mưa đã ngớt, nước lũ cũng đã rút, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các thôn ở xã Bản Rịa càng khẩn trương. Các lực lượng vừa tiếp tục công tác cứu hộ cứu nạn, sơ tán người dân, tiếp cận các địa bàn còn bị chia cắt, vừa phải dọn dẹp môi trường, tránh ô nhiễm và phát sinh dịch bệnh.
Hỗ trợ, tập trung khắc phục hậu quả sau lũ
Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quang Bình: Mưa lũ đã làm chết và mất tích 2 bố con ở thôn Bản Rịa xã Bản Rịa, 2 người bị thương; cuốn trôi hoàn toàn 6 ngôi nhà, hàng chục ngôi nhà bị hư hỏng nặng.
Mưa lũ cũng cuốn trôi 3 con trâu, 20 con lợn, trên 450 con gia cầm, 11 con dê, vùi lấp 77,53 ha hoa màu, lúa vụ mùa; mưa lũ cũng đã làm gẫy 8km kênh mương; tổng khối lượng đất đá sạt lở ước tính khoảng 20.700m3. Mưa lũ làm hư hỏng nhà ăn học sinh, sạt lở nhà lưu trú giáo viên Trường Mầm non Bản Rịa; sập tường nhà lưu trú học sinh Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở. Thiệt hại nặng nề ước tính gần 20 tỷ đồng...
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Ngọc Huân, Chủ tịch UBND xã Bản Rịa cho biết: Xã đang tập trung khắc phục hậu quả của mưa bão, chính quyền địa phương huy động nhiều phương tiện cùng sức dân để thông tuyến đường giao thông đi lại. Xã cũng đã hỗ trợ gia đình có người chết 5 triệu để gia đình mai táng; mỗi gia đình bị đổ nhà được hỗ trợ 15 triệu. Chính quyền địa phương vận động lực lượng dân quân, các tổ chức đoàn thể cùng bà con hàng xóm giúp đỡ những gia đình có nhà bị cuốn trôi hoàn toàn về chỗ ở tạm thời mới; sửa chữa lại những nhà sạt lở nguy cơ không cao, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
Đến nay, những gia đình gặp nạn đã nhận được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, các cơ quan phụ trách xã, hội chữ thập đỏ các cấp hỗ trợ tiền mặt và nhiều chăn, màn, áo ấm, gạo, mì tôm... Đặc biệt, đông đảo lực lượng thanh niên, bộ đội, dân quân tự vệ, công an dành thời gian bám bản, cùng góp sức cứu trợ, dựng lại nhà tạm, dọn dẹp vệ sinh giúp đỡ người dân sớm ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: Ngay sau khi mưa lũ rút, huyện đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, lực lượng xung kích phối hợp với xã Bản Rịa để tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân di chuyển người, tài sản.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với xã Bản Rịa để huy động máy móc, sức người đề san gạt khai thông những điểm sạt lở đường giao thông; Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện chuẩn bị thuốc, máy móc để phun thuốc khử trùng môi trường, khử trùng nguồn nước; Điện lực huyện nỗ lực sửa chữa các hạng mục bị hỏng và hiện nay đã cấp điện trở lại cho bà con để phục vụ sinh hoạt đời sống.
Hoàng Cừ