Khu công nghiệp Đồng Văn
Nhiều dự án FDI được thực hiện
Ông Trần Xuân Dưỡng, Trưởng BQL các KCN tỉnh Hà Nam, cho biết: Các NĐT, nhất là từ Nhật Bản, Hàn Quốc đánh giá cao những chính sách ưu đãi của tỉnh. Đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh có 267 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó, có 164 dự án FDI, 103 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 2,1 tỷ USD và trên 14.772 tỷ đồng (Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 90% vốn FDI).
Lũy kế đến tháng 6/2017, Hà Nam có thêm 12 dự án hoàn thành đầu tư và đi vào vận hành, hoạt động, nâng tổng số dự án đi vào hoạt động lên 234 dự án, còn lại 32 dự án đang tiến hành đầu tư xây dựng. Các ngành nghề sản xuất chính vẫn là điện, điện tử, linh kiện ô tô, xe gắn máy, chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, may mặc, các sản phẩm từ nhựa, cơ khí, sữa…
Vốn đầu tư đã thực hiện của các DN trong các KCN là 8.655,07 tỷ đồng và 1.339,38 triệu USD; tổng số lao động đang làm việc trong các KCN là trên 53.000 lao động, trong đó lao động nữ là 35.276 lao động chiếm 66,37%, số lao động tăng thêm là 3.865 lao động, đạt 59,46% so kế hoạch. BQL thường xuyên tổng hợp nhu cầu, tháo gỡ khó khăn cùng DN trong công tác tuyển dụng lao động. Cụ thể, BQL đã hỗ trợ được 1.132 lao động cho các DN như Công ty TNHH Naxis Việt Nam - Chi nhánh Hà Nam, Eidai, dây dẫn Sumi Việt Nam…
Hiện nay, hạ tầng KCN Đồng Văn II còn khoảng 20 ha, KCN Đồng Văn III còn 85 ha, KCN Đồng Văn IIII còn 60 ha và KCN Hòa Mạc còn 39,7 ha đất trống, sẵn sàng cho các NĐT thuê.
Tháng 8/2017, Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Đồng Văn III dự kiến đưa vào chạy thử sẽ được vận hành chính thức; dự kiến tháng 12/2017, tiếp tục đưa vào sử dụng Trạm xử lý nước thải tập trung tại KCN Đồng Văn IV.
“Hiệu quả của DN là sự thành công của tỉnh”
Ngoài 4 KCN hiện có, Hà Nam đang khuyến khích đẩy mạnh phát triển CN hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng phát triển CN với tốc độ cao và bền vững giai đoạn 2016 - 2020; đầu tư xây dựng cảng nội địa; các dự án xây dựng các khu chăn nuôi tập trung công nghệ cao; đầu tư khu TTTM, khách sạn tiêu chuẩn quốc tế; các nhà máy cung cấp nước sạch, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải tập trung các KCN và đô thị…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh trật tự trong các KCN về người và tài sản, không để xảy ra hiện tượng gây rối mất trật tự, nâng cao chất lượng các dịch vụ cung cấp cho các DN trong KCN như điện, nước, viễn thông... Vận hành có hiệu quả hệ thống phần mềm một cửa điện tử đảm bảo thực hiên các thủ tục hành chính công khai, minh bạch.
Đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm vào thị trường nước ngoài cũng như tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước, tập trung thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền địa phương, chủ kinh doanh hạ tầng KCN; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác GPMB, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo mặt bằng sẵn tiếp nhận các dự án đầu tư.
Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về quy hoạch xây dựng, bảo vệ môi trường KCN, hỗ trợ, hướng dẫn DN về công tác phòng chống cháy nổ, VSATTP. Tiếp tục thực hiện nghiêm 10 cam kết với phương châm “Hiệu quả của DN là sự thành công của tỉnh” - một thông điệp lớn không thay đổi mà Hà Nam gửi tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việc thu hút các NĐT lớn chứng minh rằng, môi trường đầu tư của Hà Nam tiếp tục được khẳng định, trong đó, có sự đồng thuận giữa DN, cơ quan quản lý nhà nước các cấp và người dân; hệ thống chính sách hỗ trợ DN được thông thoáng hơn cho hoạt động FDI…
Ngô Tỉnh