Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện tại trên địa bàn thành phố Hà Nội có 692 cơ sở kinh doanh thuốc thú y. Cơ bản các cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn thành phố đều đã được tuyên truyền phổ biến các quy định liên quan bao gồm: Luật Thú y năm 2015; Nghị định 35/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y; các thông tư của Bộ NN&PTNT hướng dẫn về quản lý thuốc thú y, quy định danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, cấm sử dụng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế kiểm tra trên địa bàn cho thấy, vẫn còn không ít cơ sở kinh doanh thuốc thú y chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật như: Chưa đủ diện tích khu biệt để kinh doanh thuốc thú y; để thuốc thú y lẫn với thức ăn chăn nuôi, lương thực, thực phẩm dành cho con người; chưa có nhiệt kế để theo dõi, không có nơi bảo quản và nơi bán thuốc không duy trì nhiệt độ dưới 30°C... Việc đính nhãn tem phụ của một số cơ sở nhập khẩu thuốc thú y phân phối ra thị trường chưa thực hiện đúng quy định pháp luật. Nhiều nơi có kho bảo quản thuốc nhưng thiếu các trang thiết bị cần thiết...
Ngoài ra, số loại thuốc thú y nằm trong danh mục cho phép sử dụng ở Việt Nam quá lớn, hiện có tới 12.501 sản phẩm được đăng ký lưu hành. Trong khi đó, không ít người tham gia kinh doanh thuốc thú y chưa nắm vững các quy định pháp luật. Chưa kể, phần lớn các cửa hàng chưa mở sổ sách theo dõi hoặc sắp xếp chưa đúng quy định - các loại thuốc kháng sinh xếp lẫn hóa chất hoặc thuốc bổ trợ. Đặc biệt vẫn có một số cửa hàng bán các loại hóa chất, kháng sinh thuộc danh mục cấm sử dụng và hạn chế sử dụng...
Bên cạnh đó, tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc sử dụng thuốc thú y chưa theo các nguyên tắc hướng dẫn như: Đúng bệnh, đúng cách, đúng liều lượng… Qua tìm hiểu từ các hộ chăn nuôi, kháng sinh đa số được sử dụng với mục đích phòng bệnh, điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm; nhưng có trường hợp người chăn nuôi sử dụng thuốc kháng sinh trộn với thức ăn chăn nuôi theo tỷ lệ nhất định không nhằm chữa bệnh mà để kích thích tăng trưởng cho vật nuôi. Chưa kể một số hộ chăn nuôi còn tự mua thuốc về tiêm cho vật nuôi dù không có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này… Do vậy, việc quản lý thuốc thú y gặp rất nhiều khó khăn.
Triển khai thực hiện Luật Thú y, căn cứ các quy định về điều kiện nêu trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức cho 100% chủ cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn thành phố ký cam kết không buôn bán, kinh doanh thuốc không nằm trong danh mục cho phép; chất cấm; chất vàng ô; thường xuyên rà soát, đánh giá, phân loại các cơ sở kinh doanh thuốc thú y theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian tới, các đơn vị chức năng của ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát, siết chặt việc quản lý hoạt động kinh doanh thuốc thú y, góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, tiến tới kiểm soát được chất phụ gia, chất bảo quản trong nông sản, thực phẩm trên địa bàn.
Ngọc Khánh