THCL - Sáng 18/2, tại buổi làm việc với Ban Quản lý Đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải đã chỉ ra 5 hạn chế, trở ngại chính trong việc xây dựng, phát triển mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc
Theo báo cáo, năm 2016, BQL ĐSĐT được giao quản lý 2 dự án đang được thực hiện đầu tư là dự án đường sắt số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) và dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), đồng thời thực hiện chuẩn bị đầu tư 2 dự án: tuyến đường sắt đô thị số 3 giai đoạn 2 (Ga Hà Nội - Hoàng Mai); tuyến đường sắt đô thị số 2 giai đoạn 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình).
Tổng giá trị thực hiện trong năm 2016, đạt 1.245 tỷ đồng (bằng 163% kế hoạch), trong đó vốn ODA là gần 986 tỷ đồng, vốn trong nước là hơn 259 tỷ đồng; giá trị giải ngân đạt trên 1.227 tỷ đồng (bằng 160% kế hoạch).
Đến nay, dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã hoàn thành việc đấu thầu và ký kết hợp đồng 8/9 gói thầu, tổng giá trị các hợp đồng sau đấu thầu là 853,7 triệu Euro. Dự án đã thi công được 30% tổng khối lượng và dự kiến hoàn thành, khai thác vào cuối năm 2021, chậm 36 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải cũng chỉ ra 5 hạn chế, trở ngại chính trong việc xây dựng, phát triển mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội. Đó là những khó khăn về: vốn; giải phóng mặt bằng; nhân sự quản lý, điều hành dự án; thiếu kinh nghiệm thực tế và sự phối hợp chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả của các đơn vị liên quan.
Vốn đầu tư cho ĐSĐT hiện nay tập trung vào 2 nguồn chính là đầu tư công và vốn vay ODA; một nguồn lực rất tiềm năng là vốn xã hội hoá lại chưa được khơi thông.
“Trong khi ngân sách còn eo hẹp, việc bố trí và giải ngân nguồn vốn ODA đang bị siết chặt, thì TP lại thiếu cơ chế linh hoạt để kêu gọi hợp tác công tư, thu hút vốn từ các DN. Đó là một hạn chế rất lớn khiến chúng ta thiếu nguồn lực để thực hiện các dự án”, ông Hải nhận xét
Bí thư Thành ủy yêu cầu, BQL ĐSĐT rà soát, báo cáo cụ thể với thành phố về 4 dự án chuẩn bị đầu tư, 3 dự án đang chuẩn bị trình Quốc hội và 7 dự án mới đang lên kế hoạch kêu gọi đầu tư. Trong quá trình triển khai, BQL phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải.
Bí thư Thành ủy đề nghị, trong quá trình triển khai các dự án, cần có các cơ chế đặc thù. “Chẳng hạn, khi triển khai đoạn từ Nhổn - Trôi, đây chỉ là đoạn kéo dài của dự án tuyến đường sắt số 2, vì vậy nên áp dụng tiêu chuẩn, đơn giá của giai đoạn 1 vào, sẽ tiết kiệm được thời gian chuẩn bị dự án”, Bí thư gợi mở.
Riêng khâu giải phóng mặt bằng vẫn là vấn đề gặp nhiều khó khăn nhất trong quá trình thực hiện các dự án hạ tầng, giao thông của Hà Nội. ông Hải yêu cầu các sở, ngành, địa phương nhanh chóng thúc tiến độ, hoàn tất giải phóng và bàn giao mặt bằng cho các dự án ĐSĐT, đặc biệt là dự án Nhổn – Ga Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ và hạn chế tốn phí phát sinh. Bí thư cũng khẳng định, thành phố sẽ ưu tiên bố trí đủ vốn GPMB cũng như vốn đối ứng để triển khai các dự án ĐSĐT.
Về một số kiến nghị của BQL ĐSĐT, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhất trí với việc cần thiết phải thành lập Ban Chỉ đạo các dự án ĐSĐT do lãnh đạo UBND Thành phố làm trưởng ban để tập trung tháo gỡ khó khăn, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án. Về GPMB, Bí thư Thành ủy cho rằng, cần thiết phải tiến hành GPMB trước theo quy hoạch để tạo quỹ đất sạch, sẵn sàng triển khai các dự án ĐSĐT.
H. M