Tới dự, có các vị lãnh đạo Bộ Công thương, đại diện đại sứ quán nước ngoài, đại diện tập đoàn Mercasa Tây Ban Nha cùng các sở công thương và đơn vị đầu mối.
Những năm qua, chợ đầu mối tập chung lượng hàng hóa lớn, đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất tập chung và tiêu thụ hàng hóa, là nguồn cung cấp hàng nông sản cho thị trường tiêu thụ tại các thành phố lớn. Hiện nay, chợ đầu mối đang phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, trên địa bàn cả nước có 8539 chợ, trong đó có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ cả nước, tốc độ phát triển chợ đầu mối bình quân đạt 4,5% trong giai đoạn 2010 – 2017.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác phát triển quản lý chợ còn một số hạn chế: Nguồn vốn đầu tư cho chợ đầu mối là khá cao trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế. Cơ sở vật chất của đa số chợ đầu mối còn yếu kém, công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm. Việc đầu tư nâng cấp chợ gặp nhiều khó khăn, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, phòng cháy chữa cháy… còn hạn chế.
Về thực trạng phát triển chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Thanh Hải, PGĐ Sở Công thương cho biết: “Hà Nội hiện có 2 chợ đầu mối và 4 chợ bán buôn, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực phẩm của thành phố, nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm. Do quy mô phân phối nhỏ nên chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường”.
Trước những hạn chế còn tồn tại, ông Nguyễn Văn Hội, phó vụ trưởng Vụ TTTN đưa ra một số giải pháp để phát triển hệ thống chợ đầu mối: “Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư; đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất khang trang hiện đại đáp ứng nhu cầu thị trường; thay đổi phương thức giao dịch theo hướng hiện đại hóa, phát triển dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, thương mại; tăng cường kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng truy xuất hàng hóa; tăng cường quản lý và vệ sinh môi trường tại chợ đầu mối”.
Về công tác truy xuất hàng hóa, ông Nguyễn Tiến Dũng, GĐ BQL chợ đầu mối Hóc Môn cho biết: “Nguồn gốc rau củ, trái cây của 260 sạp được truy xuất dưới hình thức ghi chép lượng hàng hóa mua vào bán ra, thông tin cơ bản về khách hàng và nguồn gốc hàng hóa. Mỗi ngày, chợ đầu mối Hóc Môn nhập và xuất ra từ 5.500 - 5.800 con heo. Trên mảnh heo đều được đeo vòng nhận diện với đầy đủ thông tin truy xuất. Thương nhân và người tiêu dùng cập nhật phần mềm Tee-Food là có thể truy xuất được thông tin về thực phẩm”.
Chia sẻ với PV, đại diện Tập đoàn Mercasa (Tây Ban Nha) cho biết thêm: “Mercasa có 50 năm kinh nghiệm trong việc phát triển hình thức kinh doanh tại nhà, Việt Nam muốn áp dụng thành công thì Chính phủ cần tham gia hỗ trợ, lên kế hoạch chi tiết để có hướng phát triển lâu dài”.
Hội thảo quốc tế “phát triển chợ đầu mối Việt Nam” - tạo cơ hội cho các nhà quản lý, doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, thảo luận về những vấn đề liên quan tới sự phát triển của chợ đầu mối nhằm đưa ra giải pháp hữu hiệu, thu hút đầu tư để phát triển hệ thống chợ đầu mối Việt Nam.
Nguyễn Trang