Trong số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nêu trên, có 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, 23 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm bán công nghiệp và tập trung, 955 điểm giết mổ nhỏ, lẻ thủ công, 454 chợ, 120 siêu thị, 22 trung tâm thương mại...
Tổng số nhân lực làm công tác an toàn thực phẩm của thành phố khoảng 12.000 người, trong đó có khoảng 280 cán bộ chuyên trách, còn lại là cán bộ kiêm nhiệm.
Ảnh minh họa
Đáng chú ý, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục duy trì một số chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung, với diện tích rau VietGAP đạt hơn 225 ha; đã hình thành rõ nét 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 3.941 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
Cùng với đó, duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố. Sở đã phối hợp cấp mã định danh cho trên 2.500 sản phẩm, cấp phát trên 5 triệu tem truy xuất dán trên các sản phẩm nông sản; hỗ trợ 5 cơ sở xây dựng chương trình kiểm soát chất lượng, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố tiếp tục xây dựng được 24 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Lũy kế đến nay, có 121 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Trong đó, các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn chín muộn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Hà Nội cũng đã tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản với 21 tỉnh phía Bắc trong chuỗi cung ứng rau, thịt cho Hà Nội; giới thiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Hà Nội gặp gỡ giao lưu với các cơ sở sản xuất của các tỉnh, thành phố; giới thiệu hệ thống phân phối nông sản tại Hà Nội.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố, các siêu thị đã tập trung phát triển mạng lưới, phủ khắp các khu vực nội thành và phát triển về khu vực ngoại thành: Hệ thống Vinmart tổng số có 17 siêu thị, gần 500 cửa hàng tiện ích và đang tiếp tục phát triển, nhân rộng; hệ thống siêu thị Lan Chi bao gồm 11 siêu thị; hệ thống Fivimart hiện có 24 siêu thị; hệ thống Intimex có 6 siêu thị. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích của các doanh nghiệp.
Triển khai thực hiện đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành, UBND các quận của thành phố đã cấp biển nhận diện cho 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng các tiêu chí của đề án, đạt tỷ lệ 100% theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố. Một số quận đã tích cực triển khai thực hiện đạt tỷ lệ 100% trước tháng 9/2018 như: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Ba Đình...
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn 12 quận đã xây dựng được tổng số 33 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. Các lực lượng chức năng thành phố vẫn đang tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, không để tình trạng kinh doanh dưới lòng đường, vỉa hè đối với các tuyến phố còn lại của 12 quận.
PV