Theo kế hoạch, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với Tết năm 2019). Cụ thể, gạo 191.400 tấn, thịt lợn 44.600 tấn, thịt gia cầm 14.800 tấn, thịt bò 12.306 tấn, trứng gia cầm 260 triệu quả, rau củ 247.400 tấn, thực phẩm chế biến 12.800 tấn, thủy hải sản 11.364 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200.000m3 xăng dầu...

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội còn tổ chức các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, các điểm chợ hoa, cây cảnh phục vụ nhân dân trên địa bàn Thành phố...

Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 không lo thiếu thực phẩmDịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 không lo thiếu thực phẩm

Theo số liệu của Cục thống kê Hà Nội, từ tháng 2 đến nay, dịch tả lợn châu Phi lan rộng khiến nguồn cung giảm sút mạnh. Hiện đàn lợn toàn TP. Hà Nội có 1.170 nghìn con, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong 9 tháng qua chỉ đạt 211,2 nghìn tấn, giảm 14,1%, riêng trong tháng 9 sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của các hộ chăn nuôi trên địa bàn Thành phố chỉ đạt 14.200 tấn. So với nhu cầu của người dân trong 1 tháng thì còn thiếu 4.394 tấn thịt lợn, dịp Tết Nguyên đán thiếu 8.100 tấn/tháng.

Để bảo đảm nguồn hàng thịt lợn phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức nhiều hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa cho thị trường Hà Nội. Riêng với mặt hàng thịt lợn, Sở Công Thương Hà Nội đã kết nối với nhiều nhà cung cấp để có thể bình ổn thị trường cũng như đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong những thời điểm cao điểm. Cụ thể, trong tháng 11/2019, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu giữa Hà Nội với các tỉnh Quảng Ninh, An Giang, Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, hệ thống Co.opmart… tổ chức 10 tuần hàng nông sản thực phẩm, thực phẩm chế biến.

Ngoài ra, Sở Công Thương vận động các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất các loại thực phẩm chế biến. Hiện nay có 21 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chủ động đăng ký và dự trữ lượng thực phẩm, hàng hóa bình ổn với kinh phí 9.000 tỷ đồng/tháng (gấp đôi so với kế hoạch được giao), trong đó mặt hàng thịt và các sản phẩm thực phẩm chế biến được các doanh nghiệp đăng ký dự trữ đảm bảo theo nhu cầu.

Đặc biệt trong trường hợp nguồn cung khan hiếm, Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu thịt lợn từ Pháp, Indonesia. Bên cạnh việc dự trữ, nhằm đáp ứng được số lượng thịt lợn còn thiếu, TP. Hà Nội còn tăng cường dự trữ các sản phẩm thay thế như thịt trâu, bò, thủy sản, trứng gia cầm.

“Với sự chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào như vậy, đồng thời thu nhập của người dân không có nhiều biến động lớn, dự báo tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến khó có thể xảy ra”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Song song với việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa dịp Tết, nhằm ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Y tế... thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát tại các chợ, các siêu thị, chuỗi cửa hàng, cơ sở sản xuất.

Đồng thời yêu cầu Cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo các đội quản lý thị trường trên địa bàn và đội cơ động tăng cường kiểm tra các kho bãi, nơi cất giữ hàng hóa để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng...

Huy Trung